Trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 7/8, ông Tetsuo Yukioka, Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo đã cúi đầu nhận lỗi sau vụ bê bối sửa điểm thi khiến dư luận Nhật Bản xôn xao trong những ngày gần đây.
“Chúng tôi chân thành xin lỗi vì những sai phạm nghiêm trọng liên quan tới kỳ thi đầu vào đã gây ra nỗi lo ngại và sự rắc rối cho nhiều người, đồng thời phản bội niềm tin của công chúng”, ông Yukioka nói.
“Xã hội đang thay đổi nhanh chóng và chúng tôi cần thích ứng với điều đó. Bất kỳ tổ chức nào không coi trọng phụ nữ đều sẽ bị yếu kém”, ông Yukioka nhấn mạnh.
Những lời xin lỗi của lãnh đạo Đại học Y Tokyo được đưa ra giữa lúc một cuộc điều tra đang được tiến hành liên quan tới nghi vấn sửa điểm trong kỳ thi đầu vào của ngôi trường này. Kết quả từ cuộc điều tra nội bộ cho thấy Đại học Y Tokyo bắt đầu can thiệp vào kết quả thi từ năm 2006, thậm chí có thể sớm hơn vì các nhà lãnh đạo của trường tin rằng, các nữ sinh sau khi tốt nghiệp sẽ có xu hướng bỏ nghề y nhiều hơn so với nam sinh do họ phải thực hiện nghĩa vụ làm mẹ và nuôi dưỡng con cái.
Cuộc điều tra cho thấy trong đợt tuyển sinh năm 2017, Đại học Y Tokyo đã giảm điểm thi vòng 1 của tất cả các thí sinh xuống 20%, sau đó cộng thêm 20 điểm cho các thí sinh nam thi lần đầu và thi lại lần 2. Thậm chí, những thí sinh nam từng thi trượt hai lần và đăng ký thi lại lần 3 cũng được nâng lên 10 điểm.
Kết quả điều tra phát hiện ra rằng hình thức can thiệp điểm thi này đã diễn ra từ nhiều năm. Báo Yomiuri Shimbun cho biết sau 2 vòng tuyển lựa hồi đầu năm nay, chỉ có 30 nữ ứng viên trúng tuyển vào Đại học Y Tokyo, trong khi nam giới là 141 người.
Các luật sự điều tra vụ bê bối cho biết cựu chủ tịch và giám đốc Đại học Y Tokyo còn nhận tiền từ cha mẹ của các học sinh có điểm thi đầu vào được nâng. Ngoài ra, Đại học Tokyo cũng bị nghi ngờ nâng điểm cho con trai của một quan chức cấp cao để đổi lấy việc người này thiên vị cho trường trong một dự án cấp bộ. Cả cựu lãnh đạo Đại học Y Tokyo và quan chức trên đều bị cáo buộc nhận hối lộ.
Đại học Y Tokyo thừa nhận việc sửa điểm thi là hoàn toàn sai trái và cam kết sẽ không lặp lại vụ việc tương tự. Ngôi trường này đang xem xét phương án tiếp nhận lại những thí sinh từng bị đánh trượt trong kỳ thi đầu vào, song không giải thích cụ thể.
“Việc phân biệt đối xử với phụ nữ là chuyện không nên xảy ra. Chúng tôi sẽ xóa bỏ điều đó. Đối với những trường hợp chúng tôi từng gây khó khăn, đặc biệt là các thí sinh nữ mà chúng tôi đã gây tổn thương cho họ, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bù đắp”, ông Tetsuo Yukioka nói.
Phát biểu tại cuộc họp báo, luật sư Kenji Nakai cho biết đây là vụ việc vô cùng “đáng tiếc”. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với các phóng viên rằng việc một kỳ thi đầu vào thể hiện sự phân biệt đối xử với nữ giới là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
“Bằng quy trình thi tuyển gian dối, họ đã đánh lừa các thí sinh, gia đình của các em, các quan chức giáo dục và cả xã hội. Các yếu tố liên quan tới sự phân biệt đối xử với phụ nữ cũng là một phần nguyên nhân”, luật sư Nakai nói.
Việc đưa phụ nữ vào lực lượng lao động Nhật Bản là một trong những vấn đề then chốt trong chính sách phát triển kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy vậy, phụ nữ Nhật Bản hiện nay vẫn phải đối mặt với “cuộc chiến” cam go để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.