Trường đại học trong mơ
Đến Minerva, bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục “có 1-0-2”:
Bạn sẽ được tham gia một “chuyến du hành” thực sự: khám phá những bảy quốc gia trong suốt bốn năm học. Bạn Đoàn Phương Linh (sinh viên năm nhất của trường) cho biết: “Bọn tớ sẽ được đến Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina), Seoul (Hàn Quốc), Bangalore (Ấn Độ), Đài Bắc (Đài Loan) và London (Anh). Năm đầu tiên này, bọn tớ được học ở trụ sở chính San Francisco (Mỹ), ngôi trường nhìn ra vịnh biển tuyệt đẹp. Cuộc sống ở bảy thành phố lớn đầy sôi động sẽ cho người học trải nghiệm thực tế về văn hóa toàn cầu”.
Từ khóa là TIẾT KIỆM
Tiết kiệm tiền: Vì phương châm “Đâu cũng là nhà”, trường chỉ có giảng đường chính và ký túc xá, và khuyến khích sinh viên tận dụng các cơ sở vật chất có sẵn tại địa phương như thư viện, phòng gym… nên chi phí học của các du học sinh khá hạt dẻ, chỉ từ 10.000USD/ năm (chưa đến 1/4 so với học phí các trường Đại học danh tiếng khác ở Mỹ). 81% sinh viên của trường nhận được học bổng, trợ cấp tài chính.
Tiết kiệm thời gian: Phương Linh tiết lộ bạn í ngồi ngay trong phòng mình ở ký túc xá trường (đầu thung lũng Silicon tuyệt đẹp), mở mắt dậy, mở laptop là lên mạng học luôn. Đỡ mất thời gian đi lại, giữ sức học hành vui chơi.
Ít học viên, bảo đảm chất lượng: Chỉ với chiếc máy tính xách tay và mạng chạy tốt, bạn có thể ngồi bất cứ nơi nào, lên mạng, vào “lớp học” online nơi mà mọi gương mặt trong lớp đều xuất hiện, và học. Chẳng khác nào một “group chat” cỡ bự! Mỗi lớp học nhiều nhất 19 học viên, giảng viên nắm bắt rất rõ tình hình học viên nên tất cả đều phải cực kỳ tập trung vào bài giảng chứ không có chuyện vừa học vừa nằm lượn FB đâu nha!
Bạn Đoàn Phương Linh
Ngôi trường này còn giúp bạn trở thành một ứng cử viên sáng giá cho các tập đoàn lớn nhất thế giới (như Mistubishi, Amazon...). Ở Minerva, bạn sẽ được dạy tư duy phản biện đúng chất. Bạn sẽ được học một công thức để “nhận diện” một câu nói là đúng hay sai, có ngụy biện hay không, có đang kích thích/ kích động người đọc hay không. Nhờ đó, bạn sẽ biết được một bài viết trên mạng xã hội có đang hướng bạn suy nghĩ lệch đi hay không.
Dù thời gian đầu chưa quen, bạn sẽ áp lực ghê gớm, học từ thứ Hai đến thứ Năm không nghỉ, nhưng bù lại, mỗi thứ Sáu luôn sẽ có hoạt động độc nhất vô nhị, hoàn toàn miễn phí. Ví dụ, được tham quan công ty thiết kế để tập thiết kế, đi tìm hiểu người vô gia cư, tham quan Google, tham quan công ty startup để gặp và trò chuyện với CEO, hay đi đến Stanford học design thinking. Còn tối Chủ nhật là dành để “ăn trọn thế giới” vì tuần nào cũng có những buổi nấu ăn truyền thống của từng nước, tất nhiên có cả Việt Nam.
Những trải nghiệm khó quên ở Minerva
Vì trường nằm trên đồi núi, nên những con đường rất quanh co, trập trùng. Kỷ niệm đáng nhớ với Phương Linh khi mới tới, “đó là khi chú tài xế đặt hành lý của Linh xuống đường, ngay lập tức va li trượt dài xuống chân đồi và cả Linh lẫn chú tài xế phải chạy rượt theo cái va li (cười)”.
Bạn Đoàn Phương Linh
Điều làm Linh cực ấn tượng đó là buổi “chào cờ”: Thứ Hai mỗi tuần sẽ có một sinh viên lên kể về câu chuyện cuộc đời của mình. “Qua những buổi nói chuyện này, mình thấy ai ở đây cũng cực giỏi dù hồ sơ của họ không lung linh “ảo diệu”. Có bạn cùng lớp của mình hiện đã có ba công ty riêng, có bạn sở hữu kênh YouTube riêng để review tất tật mọi thứ về máy bay từ năm 12 tuổi (bạn í đi máy bay thử nghiệm thật để viết cảm nhận)”.
Sự đa dạng quốc tịch sẽ là điều khiến bạn thích Minerva. Không giống ở nhiều trường Mỹ, bạn là số ít người châu Á - cảm giác mình là thiểu số đã khiến nhiều bạn trẻ bị trầm cảm, hoặc khó hòa nhập. “Ở Minerva, ai cũng là thiểu số, kể cả người Mỹ”, Linh cho biết.
Cách học thoải mái, cách dạy cũng chẳng gò bó, thế nhưng đừng tưởng sống sót ở ngôi trường này là điều dễ dàng. Phương Linh kể lại rằng bạn đã bị “sốc vì học” trong những ngày đầu đến lớp: “Bọn mình phải tự tìm hiểu một lượng thông tin khổng lồ trước mỗi giờ đến lớp, thêm việc phải liên tục trau dồi vốn sống của bản thân bằng các hoạt động và đọc thật nhiều sách. Ở Minerva, lượng thời gian tối thiểu các bạn cần dành cho việc học là 40 tiếng một tuần (tức khoảng gần 1/5 tổng thời gian bảy ngày trong tuần)”.
Áp lực về việc liên tục xê dịch (đi đến 7 nước trong vòng 4 năm) sẽ thúc đẩy các học viên khám phá nhiều hơn và tìm hiểu về các nước kĩ càng hơn trước khi đến. Trầm Thanh (sinh viên Minerva) bày tỏ: “Vốn hiểu biết của mình về một thành phố mà mình sống liên tục ở Việt Nam thậm chí còn chẳng bằng 8 tháng ngắn ngủi học hỏi ở San Francisco. Việc liên tục chuyển thành phố giúp mình học cách hòa nhập nhanh, vượt qua nỗi sợ khó thích nghi”.
Về chuyện “xê dịch”, Phương Linh kể: “Đầu mỗi ngày học luôn có một câu hỏi chủ đề, và bạn phải viết câu trả lời mà bạn đã chuẩn bị ở nhà để trình bày cho cả lớp. Câu trả lời không bị chấm điểm, nhưng trả lời quá tệ thì bạn sẽ bị đánh vắng, nếu bị nhiều lần có thể sẽ rớt và học lại rất cực, vì học kì sau bạn sẽ học ở nước khác. Từng có một bạn của mình rớt một môn, và học kì sau lại còn sang Úc học, nên cứ 3 giờ sáng thì bạn í phải bò dậy, lên mạng để học lại theo múi giờ… bên kia Trái Đất”.
Phác đồ chinh phục đỉnh cao mang tên Minerva University
Lắc đầu trước những bài thi chuẩn hoá vì cho rằng đó là một “sự thiên vị và đánh giá không công bằng với khả năng của sinh viên”, Minerva thiết lập những tiêu chí tuyển sinh mới với mục đích tìm kiếm những nhân tố tiềm năng và mang lại được giá trị thực tiễn cho cộng đồng ngoài thành tích học tập tốt. Để có được tấm vé vàng vào Minerva University, các bạn sẽ phải làm một bài kiểm tra IQ Toán, một bài kiểm tra khả năng sáng tạo, trải qua một cuộc phỏng vấn “hỏi xoáy đáp xoay” online với các nhà tuyển dụng, làm bài luận ngắn và viết về 5 thành tích các bạn tự hào nhất về bản thân mình. Trên webpage: https://www.minerva.kgi.edu/admissions là nơi tất cả bắt đầu. Hãy tạo tài khoản trong mục admission trên website và các bạn sẽ được hướng dẫn những bước cụ thể tiếp theo. Đừng lo ngại về vấn đề thiên vị sắc tộc vì ở Minerva bạn sẽ được hoà mình vào một môi trường đa văn hoá với những nhân tố tài năng đến từ 50 đất nước khác nhau.
Bạn Trầm Thanh
Nếu bạn còn lo sợ mình chưa đủ giỏi, chưa đủ kinh nghiệm, hãy nghe cô bạn Trầm Thanh (thành viên bộ phận thông tin của Đại học Minerva) mách nhỏ: “Đơn tuyển của Minerva gồm 3 phần, “Bạn là ai?”, “Bạn đã đạt được những thành tựu gì?”, và “Bạn suy nghĩ như thế nào?”. Tất cả những câu hỏi và thử thách trong đơn tuyển đòi hỏi ứng viên phải suy nghĩ nhạy bén và có khả năng giải quyết vấn đề nhanh nhạy. Minerva tìm kiếm những thí sinh có nhiệt huyết thật sự với những hoạt động ngoại khoá mà họ tham gia chứ không đòi hỏi nhiều bằng chứng nhận. Bạn cần nhiều hoạt động làm gì nếu bạn không thực sự làm vì đam mê?” Nếu bạn đủ đam mê và ưa phiêu lưu khám phá, Minerva University chính là cánh cửa dành cho bạn đấy!
GIA HƯƠNG - BÌNH NHIÊN - HY DI - Ảnh: minerva.kgi.edu