Trên đời này đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra, chuyện ngoài đời thật đôi khi còn lạ hơn trong phim nữa.
Việc những kẻ lừa đảo giả danh người có thẩm quyền thì xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng một nhóm lừa đảo ở Banka (bang Bihar, Ấn Độ) đã nâng việc này lên một tầm cao mới. Bọn họ dựng hẳn một đồn cảnh sát “pha-ke” tại một… khách sạn, cách đồn cảnh sát thật chưa đầy 500 mét.
Nhóm lừa đảo này vận hành đồn cảnh sát y như thật: Bọn họ mặc cảnh phục, thậm chí còn mang vũ khí (về sau bị phát hiện cũng là dỏm nốt). Tại đồn, bọn họ tiếp nhận đơn từ của hàng trăm công dân, liên quan đến các vấn đề nhà ở xã hội, việc làm, hoặc các đơn khiếu kiện… Bọn họ yêu cầu người dân nộp các khoản “lệ phí” để được giải quyết, nhưng tất nhiên là chẳng chuyện gì được giải quyết cả, mà tất cả đơn thư, giấy tờ của người dân bị quăng vào một góc.
Đồn cảnh sát "pha-ke". Ảnh: Mail Online. |
Thậm chí, nhóm lừa đảo này còn… tuyển người làm việc ở “đồn cảnh sát”, với mức lương là 500 rupee/ ngày (gần 150.000 đồng), công việc chủ yếu là mặc cảnh phục và ngồi ở “đồn”. Nói chung, tất cả mọi thứ thật đến mức không một người dân nào thắc mắc gì trong suốt 8 tháng liền.
Nhưng cuối cùng thì sự việc cũng bại lộ khi Shambhu Yadav, một cảnh sát thật, đang trên đường đi đến đồn cảnh sát (thật) thì tình cờ thấy 2 “đồng nghiệp” (cảnh sát dỏm) gây khó dễ cho mấy người chủ cửa hàng đang sửa chữa.
Yadav thấy nghi nghi vì nhận ra 2 “đồng nghiệp” kia mang vũ khí “pha-ke” trông như đồ chơi. Anh lại gần hỏi 2 “đồng nghiệp” đó làm việc ở trụ sở nào, nhưng họ lảng tránh. Thế là Yadav đưa cả hai về đồn (thật).
Cảnh sát Yadav, người đã phát hiện ra vụ việc. Ảnh: YouTube. |
Sau khi bị xét hỏi, 2 cảnh sát dỏm đã dẫn Yadav và một số cảnh sát khác tới “đồn cảnh sát - khách sạn” kia, nơi có 3 “cảnh sát” khác đang “làm việc”. Điều buồn cười là tất cả những người này đều phủ nhận cáo buộc mình lừa đảo, mà bảo rằng họ tưởng họ đang làm việc cho cảnh sát thật. Ngoài ra, kẻ cầm đầu nhóm này đã trốn thoát.
Những "cảnh sát" và "nhân viên" của "đồn cảnh sát - khách sạn". Ảnh: YouTube. |
Tại đồn cảnh sát “pha-ke”, cảnh sát thật tìm thấy ít nhất 500 hồ sơ đăng ký nhà ở xã hội của người dân. Một cảnh sát thật ngao ngán nói: “Chúng tôi biết có những kẻ giả làm cảnh sát để lừa đảo, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến cả một đồn cảnh sát giả thế này”.