Từ thuở nhỏ sống trong vòng tay của má. Được má yêu thương cưng chiều như trứng mỏng, nhưng tôi đâu biết rằng để cho tôi no ấm, đủ đầy, má đã hy sinh cả tuổi xuân của mình bằng những tháng ngày gian nan cơ cực. Hôm nay, tôi nghỉ phép về thăm má, bất giác nhìn thấy má đã đổi thay rất nhiều. Mái tóc bạc hơn xưa, đôi chân chai sần và thô ráp quá! Tôi bồi hồi nhớ lại quãng thời thơ ấu. Chính người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường ấy đã đánh đổi cả cuộc đời để nâng niu hạnh phúc cho tôi.
Nhớ hồi nhỏ, nhà tôi nằm sát bến sông, nơi đó có cái ghe hàng bông của má, đã gắn liền với tuổi thơ tôi qua biết bao kỷ niệm. Mà tôi hay gọi vui là cái siêu thị mini vì trên ghe cái gì cũng có. Từ thịt, cá, rau cải, tương, chao, mắm, muối, bánh, kẹo, các loại gia vị,…
Cả cuộc đời má đã bươn chải mà không hề mỏi mệt. Ngày nào cũng vậy, cứ gà gáy canh hai là má tất tả dậy sớm để lo sắp xếp hàng hóa trên ghe, từ mũi chí lái không thiếu thứ gì. Ngoài trời còn chưa sáng, đôi chân má cứ bước đi nhẹ nhàng vì không muốn làm tôi thức giấc. Má sải bước thật khẽ xuống ghe hàng bông, chèo thật nhanh để kịp trời sáng, cho bà con trong xóm mua đồ chuẩn bị ra đồng.
Những hôm trời mưa lớn, má vẫn khoan thai chèo cái ghe hàng bông trong mưa gió, chiếc nón lá rách tả tơi mà má vẫn đội hoài không chịu bỏ. Má nói “Nhà mình nghèo, tiết kiệm được cái nào hay cái ấy, đặng còn có cái lo cho bây ăn học.”
Má tôi là vậy, chăm chỉ, hay làm, hết lòng vì chồng vì con. Việc nhà, việc buôn bán, dù có vất vả đến đâu má cũng chẳng bao giờ than trách nửa lời.
Có những ngày trời nắng chang chang, má mặc cái áo bà ba đã sờn vai, cũ lắm mà tôi chẳng còn nhớ má may hồi nào. Tôi hay gọi đó là “cái áo thập kỷ”. Đôi tay má vẫn chèo thoăn thoắt trên con sông Vàm Cỏ Tây. Đến chỗ nào đông nhà, thì má liền rao, lời rao của má như in sâu trong ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ từng sống ở đây.
Đã qua bao mùa nước nổi, cái ghe hàng bông vẫn gắn liền với má, nó cùng má băng qua những cánh đồng đã ngập nước, qua những cây cầu khỉ bắt ngang kênh lớn.
Năm tháng đi qua, má giờ đã già hơn xưa, cái ghe hàng bông má cho lui về “nghỉ hưu”. Có những đêm giật mình tỉnh giấc, tôi bất giác nhìn thấy má xoa bóp đôi tay với vẻ khó nhọc. Đôi tay ấy đã chèo cái ghe hàng bông nuôi tôi khôn lớn, đưa tôi đến con đường tri thức. Đôi tay ấy một mình cáng đáng bao nhiêu khó nhọc, âu lo về phần mình. Bỗng tôi lặng người thấy trong tim hằn lên những vết nứt. Nhói đâu đó sâu trong mắt và tôi chỉ muốn nói rằng: “Má ơi! con thương má nhiều lắm!”