Trong suốt chiều dài lịch sử của ngành thời trang, các nhà mốt Pháp và Ý vừa phát triển song song, vừa cạnh tranh để trở thành người dẫn đầu. Cuộc chiến giữa họ dường như đã diễn ra từ lúc mọi sự chỉ mới bắt đầu. Các nhà sáng tạo Ý và các nhà tư bản Pháp không chỉ có góc nhìn khác biệt về thẩm mỹ mà cả quan điểm về thời trang xa xỉ cũng có rất ít sự tương đồng.
Buổi trình diễn thời trang đầu tiên tại Ý do Giovanni Battista Giorgini tổ chức tại Florence, ngày 12 tháng 2 năm 1951. |
Sự khác biệt trong định nghĩa xa xỉ:
Paris kiểu dáng, Milan kỹ thuật may
Trong mắt những người sành sõi và theo đuổi sự xa xỉ, thì thời trang Pháp nhỉnh hơn ở khâu thiết kế, họ gây được tiếng vang với phong cách thanh lịch trong trang phục hằng ngày.
Các nhà mốt Pháp chinh phục thế giới bằng những thiết kế sang trọng, chất liệu da và lụa đắt tiền, nhưng có tính ứng dụng cao. Nhạy bén là một thế mạnh không thể chối cãi của thời trang Pháp và sự ra đời của những cái tên lừng danh như Coco Chanel, Christian Dior và Yves Saint Laurent đã khiến Paris trở thành kinh đô thời trang, với khả năng định hình xu hướng từ đó đến nay.
Tuần lễ thời trang đầu tiên ở Paris được tổ chức với tên “The Battle of Versailles” (1973). |
Thời trang Pháp đã bước sang một trang mới khi Christian Dior giới thiệu BST đầu tiên của mình vào năm 1947. |
Trong khi đó, may đo là tính chất đặc trưng nhất của thời trang Ý và tất nhiên Milan luôn dẫn đầu trong hạng mục này. Những thiết kế lộng lẫy dành cho dịp đặc biệt như trang phục thảm đỏ, đầm dạ hội, váy cưới... thì may đo tỉ mỉ và đính kết những chi tiết phức tạp là sức mạnh độc tôn của các nhà sáng tạo Ý.
Những biểu tượng thời trang gây tiếng vang trong lịch sử, những chiếc đầm iconic của các ngôi sao và thành viên Hoàng gia đều có dấu ấn thời trang Ý. Họ không chỉ là nhà thiết kế mà còn là những nghệ nhân thời trang, kỹ thuật cắt may của họ là bất khả chiến bại. Mọi thứ họ làm ra từ trang phục, giày dép đến trang sức đều là những tác phẩm nghệ thuật.
Trong thời kì đỉnh cao của thời trang Ý, nổi tiếng nhất là show của Versace năm 1991 với sự góp mặt của các siêu mẫu Cindy Crawford, Naomi Campbell, Christy Turlington và Linda Evangelista. |
Các nhà mốt Ý như Gucci, Dolce & Gabbana và Versace... tự hào với tay nghề thủ công của họ. Thợ may đều được xem như những nghệ nhân lành nghề. |
Sự sang trọng theo phong cách Milan được thể hiện bằng những đường cắt may tinh tế, khéo léo và chất liệu cao cấp nhất. |
Vì thế, khi đề cập đến ý nghĩa của sự sang trọng và xa xỉ, Pháp và Ý đều có thế mạnh của riêng mình. Nếu “Made in France” là thời thượng, đỉnh cao xu hướng, thì “Made in Italy” là bảo chứng cho tính biểu tượng và vượt thời gian trong thời trang.
Sự khác biệt trong tư tưởng: Art de Vivre hay Dolce Vita
Nếu như sự sang trọng của Pháp gắn liền với khái niệm “Art de Vivre” - nghệ thuật sống động, là sự kết hợp tối đa giữa hai yếu tố văn hóa lịch sử và thời trang thì tư tưởng của các nhà sáng tạo Ý lại đề cao sự tận hưởng cuộc sống với chủ nghĩa “Dolce Vita”.
Nghĩa là với người Pháp, sự xa xỉ mang khái niệm truyền tải văn hóa và bản sắc nhiều hơn, dễ dàng nhận thấy ở những thiết kế của Cartier, Hermès, Louis Vuitton, sự sang trọng của họ mang tính thần thoại hơn, lấy cảm hứng từ văn hóa và lịch sử nhiều hơn.
Các nhà mốt Pháp luôn chú trọng vào việc tôn vinh di sản của thương hiệu. |
Trong khi tư tưởng của các nhà mốt Ý lại thiên về giá trị của cuộc sống và hoạt động sản xuất. Nghĩa là mọi người đều có thể tiếp cận sự sang trọng và xa hoa trong ăn mặc hằng ngày.
Những nhà mốt lừng lẫy nhất của Ý như Prada, Valentino và Bottega Veneta cũng thiên về những thiết kế quiet luxury, chất liệu và kỹ thuật may đo quan trọng hơn sự sang trọng có được do nhận biết thương hiệu.
Người Ý không đề cao từ “xa xỉ” vì những sản phẩm chất lượng cao và đầy sáng tạo là điều rất bình thường ở quốc gia này. |
Có thể nói, với Milan tư tưởng xa hoa sẽ gần gũi hơn, còn Paris thì những gì càng có ý nghĩa văn hóa thì càng sang trọng.