Ai quan tâm đến thực phẩm cũng biết rằng, nhiều khi, chúng ta có thể sử dụng thực phẩm một cách an toàn sau khi đã quá hạn một thời gian. Mặc dù, ai quan tâm đủ đến thực phẩm lại cũng biết rằng, thực phẩm có thể hỏng theo rất nhiều cách, dù còn… chưa hết hạn!
Nhưng sẽ thế nào nếu lớp vỏ bọc thực phẩm có thể phát hiện ra và cảnh báo cho chúng ta biết khi thực phẩm ở bên trong đã bị hỏng?
Primitive - một tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco (Mỹ) - hiện đang phát triển một loại vỏ bọc bằng chất liệu cảm ứng, có thể đổi màu, hoặc thể hiện một dấu hiệu gì đó, khi phát hiện ra vi khuẩn hay các hợp chất có hại khác ở thực phẩm bên trong.
Kan và Noa Machover là hai nhà nghiên cứu đã bắt đầu phát triển ý tưởng này từ khi họ còn là sinh viên Đại học MIT. Hiện giờ, họ đang chuẩn bị thương mại hóa loại vỏ bọc thực phẩm này. Họ cho biết: “Lĩnh vực vỏ bọc thực phẩm không thường xuyên được chú ý tới, nhưng lại thực sự rất cần được cải tiến”.
Cùng với công nghệ phát hiện thực phẩm hỏng, Primitive cũng đang cố gắng làm cho loại vỏ bọc bằng nhựa sinh học này có thể tự phân hủy thành mùn khi được chôn xuống đất. Như vậy thì nó sẽ trở nên thân thiện với môi trường hơn.
Không những thế, theo những công bố của Primitive, thì loại vỏ bọc sinh học này còn ngăn oxy lọt vào thực phẩm bên trong một cách hiệu quả hơn nhựa hoặc nylon bình thường, đồng thời ngăn chặn cả tia UV, nên cũng giúp thực phẩm tươi lâu hơn. Đó cũng là một cách giảm lãng phí thực phẩm – vốn là một vấn đề khiến nhiều quốc gia phải “đau đầu”.
Primitive chưa thông báo rằng khi nào thì loại vỏ bọc thực phẩm thông minh sẽ xuất hiện trên thị trường, hoặc trước hết họ sẽ thử nghiệm với những loại thực phẩm nào. Tuy nhiên, rất nhiều công ty sản xuất và chế biến thực phẩm đang “trông ngóng” loại vỏ bọc “kỳ diệu như đến từ tương lai” này.