Khi mới làm quen, bạn sẽ cảm thấy “tẩu hỏa nhập ma” bởi việc có quá nhiều hạng mục phân loại rác và quy tắc vứt rác để người dân tuân theo.
Đầu tiên là rác thực phẩm. Tất cả rác từ đồ ăn sẽ được cho vào túi riêng, hạn chế tối đa nước nên trước khi bỏ vào túi phải loại bỏ hết nước. Nếu rác còn nhiều nước sẽ bị tính thêm tiền trong hóa đơn dịch vụ nhà. Mỗi tòa nhà đều có mấy thùng thu rác thực phẩm thông minh có gắn chip để bỏ hằng ngày. Mỗi hộ sẽ được phát một thẻ từ. Mỗi lần đổ rác, bạn phải quẹt thẻ thì nắp thùng mới mở ra. Trên thùng còn có thông tin là bạn đã đổ trọng lượng bao nhiêu rác. Việc lắp đặt thùng rác thông minh có gắn chip giúp phát hiện những hộ gia đình vứt đi quá nhiều đồ ăn thừa, qua đó ngăn ngừa tình trạng lãng phí đồ ăn. Tuy nhiên, những loại rác thực phẩm như xương lợn, bò, gà, vỏ sò, các loại vỏ hạt cứng không được tính là rác thực phẩm mà bỏ vào túi rác thải sinh hoạt.
Tiếp đến là rác thải sinh hoạt (bao nilon, giấy vệ sinh...). Tùy mỗi khu vực sẽ có túi thu rác màu khác nhau. Nếu bạn bỏ rác không đúng màu, người ta sẽ không thu rác. Những túi bỏ rác này, bạn có thể mua ở siêu thị hoặc dùng chính cái túi đựng ở siêu thị để bỏ rác vào. Nhưng mỗi túi này có giá gần 0.5$. Nên bỏ rác cũng phải chắt chiu, tiết kiệm.
Kế tiếp là rác tái chế được. Bao gồm giấy, thùng carton, chai nhựa có thể tái chế, chai thủy tinh... Mỗi tuần sẽ có 2 ngày thu gom rác kiểu này. Người ta sẽ để bạn đem rác chất đống được phân theo từng loại ở dưới sân và chiều cuối ngày sẽ có xe đến thu gom. Trước khi đem những chai lọ hoặc đồ nhựa đựng đồ ăn đem bỏ đi, bạn phải tráng rửa chúng bằng nước, để chúng sạch bóng. Chai lọ nhựa cũng phải tháo nắp, đạp bẹp để tiết kiệm diện tích.
Rác thải là những đồ nội thất, đồ điện tử nói chung cũng có cách thải bỏ riêng. Bạn phải cột gọn gàng ngăp nắp, và mua các loại tem trên mạng hoặc tại ban quản lý toàn nhà để xử lý loại rác cồng kềnh như này. Các loại tem có mệnh giá từ 2000 - 15000 Won. Ngoài ra tại các khu nhà đều có những thùng riêng để chứa quần áo cũ, pin đã qua sử dụng, kính, thủy tinh vỡ... Không chỉ ở khu dân cư mà ở bất cứ nơi công cộng nào cũng đều có rất nhiều thùng phân loại rác.
Tuy đã có hệ thống phân loại rác thải và người dân cũng rất ý thức tuy nhiên hiện nay Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng sử dụng quá nhiều túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Để hạn chế, kể từ 1/1/2019, theo quy định mới, khoảng 2.000 cửa hàng bán lẻ và 11.000 siêu thị ở Hàn Quốc sẽ không được cung cấp túi nilon cho khách hàng. Theo đó, họ vẫn cho phép sử dụng túi nilon đối với các mặt hàng tươi sống như thịt, cá; nhưng đối với các mặt hàng khác, các cơ sở kinh doanh phải sử dụng túi giấy, túi vải có thể tái chế được.
Ngoài việc cấm sử dụng túi nilon, Chính phủ Hàn Quốc cũng vừa ra thông báo sẽ loại bỏ hoàn toàn ống hút và cốc nhựa ở các cửa hàng cà phê và những điểm công cộng khác vào năm 2027. Một số tiệm cà phê đã thực hiện việc giảm tải sử dụng các đồ nhựa bằng cách dùng ống hút bằng giấy, hoặc người nào mang theo cốc đựng khi mua cà phê mang đi sẽ được giảm giá.
Thông qua những biện pháp nói trên, Hàn Quốc mong muốn sẽ giảm 20% lượng rác thải và tăng tỷ lệ rác tái chế từ 70% lên 82% vào năm 2027, trong khuôn khổ chương trình giảm lượng rác thải khó tái chế trong vòng 10 năm do Bộ Môi trường nước này và 9 bộ liên quan khác đệ trình Chính phủ.