* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung trong phim.
“Con yêu mẹ, con yêu hơn, con yêu mẹ trước”
The Flash/Barry Allen là siêu anh hùng trẻ tuổi nhất của Justice League trên màn ảnh rộng. Khác với Superman, Wonder Woman hay Aquaman có "gia thế khủng", The Flash chỉ là một cậu chàng bình thường vô tình sở hữu tốc độ hơn người khi bị sét đánh trúng ở phòng thí nghiệm. Chính vì vậy, Barry hiển nhiên không tránh được việc trở nên yếu đuối trước những nỗi đau thời thơ ấu.
“I love you, i love you more, i loved you first,” tưởng chừng như một câu nói đơn giản xuất hiện ở phần đầu và phần cuối bộ phim lại mang vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời siêu anh hùng The Flash. Nó khắc họa lại nỗi đau lẫn tình yêu của Barry Allen dành cho người mẹ quá cố, đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy cậu trên hành trình tìm ra bản dạng của chính mình.
Các sự kiện chính trong The Flash bắt đầu khi Barry nhận ra siêu năng lực tốc độ - nếu phát triển đến một mức độ nhất định - có thể dẫn cậu đến các chiều thời-không gian khác nhau. Vốn vẫn đang mắc kẹt trong nỗi đau mất đi hai người thân yêu nhất chỉ trong một ngày, Barry Allen mang tham vọng quay ngược thời gian để “sửa chữa mọi sai lầm”.
“Đừng để bi kịch định nghĩa con người cậu.”
“Đừng sống cho quá khứ, hãy sống cho cuộc đời của chính cậu đi,” lời của Batman/Bruce Wayne.
Không ngoài dự đoán, siêu anh hùng Tia Chớp thành công trở về thời điểm có thể cứu được mẹ khỏi bị giết hại, bố cũng không phải vào tù oan. Tuy nhiên, dòng chảy của thời gian là thứ mà không ai có quyền can thiệp, dẫu có là siêu anh hùng. Như lời Batman đã cảnh báo, The Flash suýt tự tay hủy diệt mọi thứ, và đa vũ trụ bị đảo lộn là cái giá phải trả khi cậu dám thay đổi vận mệnh.
Sự kiện tái thiết lập vũ trụ DCU
The Flash không phải là bộ phim siêu anh hùng đầu tiên khai thác chủ đề vũ trụ song song. Trong những năm qua, Marvel đã phát triển rất thành công ở nhiều dự án, hay Sony đang "làm mưa làm gió" phòng vé quốc tế với Spider-Man: Across the Spider-Verse. Tuy nhiên, đa vũ trụ trong The Flash vẫn tồn tại những đặc trưng riêng, đồng thời việc tái thiết lập vũ trụ cũng là kế hoạch để mở ra vận mệnh mới cho tương lai của DC.
The Flash du hành đa vũ trụ không nhờ phép thuật hay những cánh cửa, mà là nhờ vào siêu tốc độ vượt qua cả vận tốc ánh sáng, điều này không được đề cập quá nhiều trên phim. Ở phiên bản The Flash truyền hình, việc du hành thời gian của cậu được giải thích bằng các nguyên lý chi tiết hơn. Nhưng bù lại, bộ phim để nhân vật Batman trình bày về giao điểm giữa các dòng thời gian, điều này giải thích vì sao không chỉ tương lai bị thay đổi, mà cả quá khứ lẫn hiện tại đều sẽ bị xáo trộn khi The Flash can thiệp vào nhánh thời gian.
Một trong những trọng trách mà The Flash phải đảm nhận đó là làm nền tảng khởi động một vũ trụ hoàn toàn mới do James Gunn lãnh đạo. Để làm được điều đó, bộ phim phải có lời giải thích hợp lý cho sự biến mất đột ngột của Vũ trụ DC cũ, đồng thời làm trung gian mở ra vũ trụ mới không được quá gượng ép. May thay, Tia Chớp 2023 cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu đó.
Dù cuối cùng Barry Allen phải chấp nhận gạt bỏ tình cảm cá nhân để khôi phục lại trật tự thời gian, song một khi sự xáo trộn đa vũ trụ đã hình thành thì không thể sửa chữa. Kết phim, Barry bị kẹt lại ở một vũ trụ mà các thành viên Justice League cũ không còn tồn tại - trở thành cái cớ hoàn toàn phù hợp để DC Studios phát triển một Liên Minh Công Lý mới.
Hoành tráng nhưng chưa mấy thỏa mãn
Xem xong The Flash (2023), hẳn khán giả có thể phần nào lý giải được vì sao hãng Warner Bros. vẫn giữ lại vai diễn cho Ezra Miller, dù thời gian gần đây nam diễn viên vướng phải nhiều bê bối đời tư nghiêm trọng. Ezra thể hiện được độ hợp vai nhất định, và dù phải hóa thân thành hai nhân vật cùng lúc - The Flash hiện tại và Barry Allen của quá khứ - thì tài tử sinh năm 1992 vẫn giữ vững phong độ diễn xuất trong suốt bộ phim, không bị đuối ở các đoạn cao trào hay phân cảnh đòi hỏi nhiều cảm xúc.
Ngoài Ezra Miller, bộ phim còn có hai ngôi sao khách mời tạo điểm nhấn là Michael Keaton - người từng thủ vai Batman trong Batman Returns (1992) và nữ diễn viên Sasha Calle lần đầu đưa vai diễn Supergirl lên màn ảnh rộng. The Flash còn là dịp đặc biệt để người hâm mộ được gặp lại những gương mặt thân quen trong Justice League trước khi phải nói lời tạm biệt.
Tuy vậy, thời lượng dành cho các khách mời kể trên còn khá ít so với tổng thể bộ phim. Nhân vật Batman của Ben Affleck chỉ xuất hiện khoảng hơn năm phút trên màn ảnh, con số này quá khiêm tốn so với tổng thời lượng 2 tiếng 24 phút của bộ phim. Điều này sẽ khiến người hâm mộ DC cảm thấy chưa thỏa đáng với lời tri ân ngắn ngủi của hãng phim dành cho các nhân vật cũ.
Một trong những điểm cộng lớn của The Flash nằm ở phần kỹ xảo hình ảnh. Được dàn dựng của dưới tay của Andy Muschietti, The Flash giữ được màu phim của DCU cũ. Cảnh hành động được đầu tư kỹ xảo hoành tráng, nhất là ở các phân cảnh tua chậm khi The Flash sử dụng siêu năng lực, đem đến bữa tiệc mãn nhãn cho người xem. Tuy nhiên, một số cảnh vẫn bị khán giả nhận xét là thiếu tính chân thật và kỹ xảo hơi lỗi thời. Những cảnh chiến đấu chớp nhoáng không nhiều, khá dễ đoán và thiếu sự đột phá, khiến người xem dễ tụt cảm xúc.
Dẫu còn tồn tại điểm thiếu sót, The Flash vẫn là bộ phim đáng để ra rạp nếu khán giả không muốn bỏ lỡ sự kiện quan trọng của Vũ trụ DC, cũng như thưởng thức câu chuyện đầy tính nhân văn về bài học buông bỏ chấp niệm quá khứ.