Bánh ướt thịt nướng
Bánh ướt là loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, để ăn khi còn ướt. Món ăn này thoạt nghe không có gì xa lạ, từ Nam chí Bắc đâu đâu cũng có. Thế nhưng, sự biến tấu lạ lẫm từ thành phần ăn kèm cho tới cách ăn đã khiến Bánh ướt Buôn Ma Thuột lọt danh sách những món “must try” của khách du lịch khi tới Tây Nguyên.
Món ăn gồm nhiều nguyên liệu: Bánh ướt, thịt nướng, dưa leo, xoài xanh cắt sợi, dưa chua, rau thơm… ăn kèm với mắm nêm hoặc mắm ớt tỏi tùy khẩu vị mỗi người. Vì bánh không được cuốn sẵn nên khi ăn, thực khách phải tự mình cho hết tất cả vào trong bánh ướt còn nóng hổi giống như gỏi cuốn. Thịt nướng được ướp rất đậm đà ăn kèm dưa chua, xoài xanh và nước mắm đặc biệt.
Quán tuy rất đông, nhưng phục vụ làm việc rất nhanh tay và nhiệt tình. Bánh vừa ra là liến thoắng bưng ra cho khách ngay, nên lúc nào cũng còn nóng hổi. Vì mỗi dĩa chỉ có một miếng bánh cuốn “nhỏ xinh”, nên sau khi ăn xong bạn phải xếp dĩa thành từng chồng để tính tiền, không quên luôn tiện “sống ảo” khoe chiến tích “tàn sát” bàn ăn hôm nay. Đừng lo cạn ví sau mỗi lần ăn, vì một dĩa như vậy chỉ có 1K mà thôi!
"Thiệt hại": Bánh ướt, xoài xanh, dưa chua 1K/ đĩa, thịt nướng 20K/ đĩa.
Thời gian: 16h - 21h.
Địa chỉ: 43 Trần Nhật Duật.
Bún riêu
Bún riêu ở Buôn Ma Thuột cực kỳ đơn giản, ấy thế mà nhiều người khi tới đây phải ăn sáng trưa chiều tối mới “dứt” cơn thèm. Không giống như bún riêu ở Sài Gòn với đầy đủ đậu hũ, giò, ốc, thịt, rau muống thì bún riêu Buôn Ma Thuột chỉ có miếng cà chua đỏ, ít tóp mỡ, hành phi, da heo và đặc biệt là cục riêu to chà bá béo thơm - “cực phẩm” làm nên tên tuổi của món bún riêu phố núi. Riêu được nấu bằng tôm, cua đồng giã nhuyễn, trộn cùng thịt nạc và ít trứng. Vị ngọt thanh của tôm, vị béo nhưng vừa miệng của cua khiến thực khách “tê tái” khi vừa chạm vào miếng riêu.
Thêm một điểm cộng mà có lẽ bún riêu ít nơi đâu có, đó chính là phần rau ăn kèm đặc trưng. Một dĩa rau sống thập cẩm xanh tươi mơn mởn gồm xà lách, bắp cải, bắp chuối, kinh giới, húng, thơm được thái nhỏ dùng kèm với phần bún khiến cho người ăn cảm giác không bị ngán mà lại ngon miệng. Màu xanh của rau, màu đỏ của óng ánh của nước lèo từ cà chua xào và hạt điều, thêm ít gia vị và miếng riêu cua nóng hổi dậy mùi, khiến thực khách một khi đã nếm thử sẽ “nhớ nhau cả đời”.
"Thiệt hại": 20K/ tô.
Thời gian: 15h - 21h.
Địa chỉ: 71 Lý Thường Kiệt.
Gỏi (nộm) khô bò
Đây không phải là một món đặc trưng riêng ở Buôn Ma Thuột, nhưng lại là một trong những món rất được giới trẻ nơi đây ưa thích. Một phần gỏi đầy đặn gồm gỏi (tất nhiên), bánh phồng tôm, gan, khô bò, da heo, đậu phộng, rau thơm ăn kèm nước sốt chua chua ngọt ngọt trộn gỏi. Chính sự “quyến rũ” ngay trong cả khi nhai của thực khách đã khiến món ăn này hấp dẫn hơn cả: Giòn rụm của đậu phộng, xực xực của sợi đu đủ bào, dai dai của miếng khô bò…
Điểm cộng món gỏi ở đây là phần gan và khô bò được đánh giá khá là vừa miệng. Món ăn không mặn quá, không cay quá, không cứng quá cũng không mềm quá, đủ để khi người ăn cho vào miệng “tan chảy” ngay nơi đầu lưỡi. Thêm vào đó, cô chủ quán rất dễ thương, dù giờ tan tầm có đông tới mấy thì cô vẫn luôn tươi cười và phục vụ nhiệt tình các “thượng đế tuổi teen”.
"Thiệt hại": 15K/ đĩa.
Thời gian: 15h - 19h.
Địa chỉ: 71 Nguyễn Trãi (ngay góc ngã tư Nguyễn Trãi với Trần Phú).
Bánh đúc
Món ăn xuất phát từ miền Bắc nên có lẽ không còn xa lạ gì đối với các bạn Hà Thành. Không cầu kỳ như nơi mà món ăn sinh ra, một phần bánh đúc nóng ở đây chỉ có những gia vị cơ bản như mộc nhĩ, hành phi, thịt băm ăn kèm nước chan.
Thế nhưng, không phải vì thế mà “bánh đúc cao nguyên” không ngon bằng đâu nhé! Chén bánh vẫn luôn nóng sốt, sệt sệt, khi ăn kèm phần topping phía trên tạo nên một món ăn vặt hợp khẩu vị, lại không quá no, phù hợp ăn chơi lạ miệng. Ngoài bánh đúc nóng thì quán còn bán cả bánh đúc nguội, ăn kèm mắm tôm có thêm chút chanh ớt vào nữa thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Ở Buôn Ma Thuột có nhiều quán bán bánh đúc khác nhau, nhưng quán ở Phùng Chí Kiên thuộc dạng lâu đời nhất. Bây giờ quán chỉ bán vào 2 ngày cuối tuần nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách, một phần vừa giữ được cái nét bánh đúc Hà Nội, một phần có sự khác biệt riêng.
"Thiệt hại": 7K/ chén.
Thời gian: Bán thứ Bảy và Chủ Nhật từ 15h - 18h nhưng thường hết sớm.
Địa chỉ: 45 Phùng Chí Kiên (gần chợ Ngô Mây).
Ốc luộc
Quán có hai loại ốc, quen gọi là ốc to và ốc nhỏ (Ốc bươu và ốc gạo). Ốc to dành cho những ai lười “khều”, muốn ăn no, ăn được nhiều. Ngược lại ốc nhỏ dành cho ai thích ngồi nhâm nhi, tám chuyện “trên trời dưới đất”. Ốc ở đây rất tươi, được ngâm nước vo gạo rất sạch sẽ, ăn không có sạn và cảm giác “nhớp nhớp” khó chịu. Điểm đặc biệt ở món này có lẽ là nhờ nước chấm, phải nói là cay xè lưỡi, nước mắt ngắn dài mà vẫn cứ kiên trì ngồi “khều” từng con ốc ra để chấm vào. Vừa cay vừa làm chén nước ốc nóng thơm thì cảm giác “đã” không còn gì sánh bằng.
Ngoài ra tiệm này còn bán nem nướng khá là ngon, rất đáng để thử. Nem chín được bóc từ trong lá, sau đó chị chủ quán khéo léo đảo trên bếp than đỏ rực.
"Thiệt hại": Ốc/ 10K/ đĩa, Nem/ 6K/ miếng.
Thời gian: 14h - 18h.
Địa chỉ: Ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai với Lê Hồng Phong (dốc xuống chợ Nhỏ).
ĐÔNG QUÂN - Ảnh: MINH ĐĂNG