Nhà sách phải có tất cả tựa sách?
Không nhà sách nào có hết tất cả các loại sách cả. Nếu như các thương hiệu thời trang phải có “buyer” để lựa chọn sản phẩm mình muốn bán thì nhà sách cũng vậy, lựa chọn giới hạn những tựa sách hấp dẫn người đọc theo tiêu chí riêng của họ. Nhiều hệ thống nhà sách trực thuộc đơn vị xuất bản hoặc công ty phát hành như Kim Đồng, Fahasa, Phương Nam, Nhã Nam… thì sẽ ưu tiên sách do họ thực hiện, sau đó mới lựa thêm ấn phẩm của các nhà sách khác. Nói cách khác mỗi hệ thống nhà sách lại có một “gu sách” riêng bên cạnh những sản phẩm phổ thông, làm nên đặc trưng riêng cho mỗi nhà sách.
Nhân viên nhà sách phải biết hết tựa sách?
Đây có thể gọi là nỗi oan lớn nhất cho các bạn nhân viên tại nhà sách khi rất nhiều khách hàng đến và mặc định rằng các bạn phải biết hết tất cả các tựa sách. Mình làm một phép tính nhỏ thế này nhé: Có sơ sơ 10 loại sách ở nhà sách (văn học cổ điển, văn học hiện đại, trinh thám, kinh dị, sách self-help, sách quản trị, sách kỹ năng sống, marketing - quảng cáo, tôn giáo, lịch sử). Mỗi loại này có khoảng 500 tựa hiện hành và khoảng 500 tựa cũ. Hẳn các bạn đang suy nghĩ làm sao mà lên đến 500 tựa sách mỗi loại đúng không? Con số thực tế lớn hơn rất nhiều, chưa kể đến các thể loại như: Hồi ký, truyện có yếu tố lịch sử, truyện có yếu tố kỳ ảo, sách về thiền, sách về lối sống, tản văn-tạp văn-bình luận…
Tính ra mỗi loại sẽ có 1000 tựa, nhân lên cho 10 loại là 10.000 tên sách. Để ghi nhớ hết tên sách này thì mất thời gian tìm hiểu khá lâu, chưa kể bạn còn phải nhớ xem tác giả của tựa sách và các tựa đi kèm có xuất bản tại Việt Nam không.
Làm nhân viên nhà sách sướng ghê, tha hồ mà đọc sách?
Hằng tuần nhà sách đều có sách mới. Tùy vào cách đặt hàng của mỗi hệ thống thì hàng có thể về theo tuần hoặc tháng, như cửa hàng của bọn mình là sách mới về hằng tuần. Mỗi ngày, các bạn nhân viên ngoài việc sắp xếp sách (một công việc vô cùng đau não và tốn kha khá nơ ron thần kinh để tư duy) thì các bạn còn kiểm sách, nhận hàng, hỗ trợ tìm sách cho khách, sách mới, sách tái bản, bọc sách, phân loại sách và đưa về tầng theo loại.
Đúng là không thể có thời gian rảnh mà đọc sách, nhưng mình xác nhận làm nhân viên nhà sách khá là sướng, với những bạn đam mê sách thì đây thực sự là nơi tìm hiểu thế giới tri thức nhân loại, học hỏi sâu sắc những vất vả của người làm sách, xuất bản sách, trải nghiệm và hồi hộp chờ đón từng tựa sách mới về.
Nhà sách phải giảm giá nhiều như các trang bán online?
Nhà sách không thể giảm giá mạnh như các trang thương mại điện tử. Hình thức bán hàng trực tiếp vốn dĩ khác biệt với bán hàng online, cần mặt bằng, nhân sự, chi phí vận hành ngầm để có thể tạo ra không gian trải nghiệm cho khách mua sách. Nếu giảm giá như vậy thì không nhà sách nào có thể chịu được chi phí. Bù lại, khi đến nhà sách, khách hàng sẽ có trải nghiệm mà không trang web nào có thể mang lại. Bạn có thể rờ tận tay mỗi quyển sách mới, lật giở từng trang đọc tại chỗ, có âm nhạc du dương, có không khí thơm mùi sách, có không gian đầy ắp những quyển sách xinh đẹp với cả ngàn thế giới sau mỗi chiếc bìa.
Sách mua online rẻ như vậy, người ta sẽ ít ghé nhà sách để mua trực tiếp hơn
Tuy thương mại điện tử phát triển kèm với các ưu đãi mua hàng cực kỳ hấp dẫn nhưng vẫn còn đó rất nhiều khách hàng duy trì việc ghé nhà sách để mua sách. Vào buổi tối trong tuần và cuối tuần, mình vẫn thấy số lượng lớn khách hàng là các bạn trẻ dạo qua nhà sách xem sách mới và mua luôn. Cảm giác đi vào nhà sách rồi ra về với một quyển sách giấy trên tay vẫn rất là “đã”, chưa kể nếu bạn mang về một quyển sách công phu hay mua được các ấn bản sách đặc biệt thì cảm giác như đem một kho báu về nhà ấy. Ngoài ra, vẫn có rất nhiều cô chú lớn tuổi giữ thói quen đi nhà sách vào cuối tuần để tìm đọc sách.
Nhà sách nào cũng giống nhau, khác mỗi tên thôi?
Hiện nay ở TP.HCM có rất nhiều nhà sách: FAHASA, Phương Nam, Cá Chép, Nhân Văn, Quang Huy… Về cơ bản, mỗi nhà sách sẽ có những danh mục sách và sản phẩm cố định (văn phòng phẩm, quà tặng, đồ chơi…) đi kèm tương tự nhau. Nhưng, bạn nào có thói quen đi nhà sách lâu năm sẽ nhận ra điểm khác biệt về loại sách và thế mạnh của từng nhà sách.
Mình bật mí chia sẻ một tí dựa trên kinh nghiệm đi nhà sách: Hệ thống nhà sách Cá Chép có rất nhiều tựa sách lạ, sách kinh điển, sách cho nghiên cứu về văn học - lịch sử, sách bách khoa và sách cho trẻ em, mặt hàng văn phòng phẩm, quà tặng siêu dễ thương, không gian ánh sáng ấm, sáng tạo riêng biệt.
Hệ thống nhà sách FAHASA có rất nhiều sách giáo trình tiếng Anh, có văn phòng phẩm cực kỳ đa dạng, có nhiều truyện tiếng Anh kinh điển lẫn hiện đại với mức giá rất tốt. Hệ thống nhà sách Phương Nam có phần trưng bày ổn, tựa sách tiếng Anh cho chủ đề kinh tế/ xã hội/ tâm lý/ self-help đa dạng. Nhà sách Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ có sách giáo trình, sách tham khảo cực kỳ đa dạng, sách học ngoại ngữ nhiều đầu sách lạ-hiếm.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn thêm yêu quyển sách mình cầm trên tay, hẹn gặp bạn ở nhà sách nhé!