Thời thế đã thay đổi, giờ kỹ năng cứng quan trọng hơn kỹ năng mềm

HHT - Ngay từ nhỏ, thế hệ Z đã được thầy cô, phụ huynh cho rèn luyện các kỹ năng mềm như sáng tạo, thuyết trình hay làm việc nhóm như hành trang chuẩn bị cho tương lai. Thế nhưng, theo kết quả của một khảo sát gần đây, các Gen Z đã đi làm lại chỉ ra mong muốn ngược lại.

Kỹ năng cứng lên ngôi

Kỹ năng cứng (hard skills) là những kỹ năng, kiến thức chuyên môn cần có cho một ngành nghề nào đó. Mỗi công việc sẽ có những yêu cầu về kỹ năng cứng khác nhau, chẳng hạn như bác sĩ thì phải có kiến thức về y khoa hay thợ chụp ảnh cần nắm rõ cấu hình của máy ảnh và các phần mềm chỉnh ảnh.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa kỹ năng cứng và kỹ năng mềm là ở chỗ: Kỹ năng cứng thường là “đặc sản” của một ngành nghề, trong khi kỹ năng mềm có thể được ứng dụng và chuyển đổi qua lại giữa nhiều công việc khác nhau, chẳng hạn như thuyết trình trước đám đông hay làm việc nhóm.

Thời thế đã thay đổi, giờ kỹ năng cứng quan trọng hơn kỹ năng mềm ảnh 1

Gần đây, công ty Adobe đã thực hiện một cuộc khảo sát nhân lực tương lai khi phỏng vấn hơn 1.000 nhân sự Gen Z hiện đang làm việc ở Mỹ. Kết quả tiết lộ rằng 48% người được khảo sát muốn được đào tạo kỹ năng cứng nhiều hơn, và chỉ 33% muốn được đào tạo thêm kỹ năng mềm.

Mặc dù khảo sát này không đại diện cho tất cả Gen Z trên toàn cầu nhưng nó cũng phần nào cho thấy mong muốn của giới trẻ trong việc được huấn luyện chuyên môn nhiều hơn trong công việc.

Thời thế đã thay đổi, giờ kỹ năng cứng quan trọng hơn kỹ năng mềm ảnh 2

Đặc biệt, với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo, việc sử dụng thành thạo các loại công cụ này cũng là một loại kỹ năng cứng mà Gen Z mong muốn lĩnh hội. Theo khảo sát trên 4.000 người ở Mỹ, Anh và Úc của công ty Salesforce, 70% Gen Z tham gia khảo sát trả lời rằng họ đã dùng qua các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), và mục đích chủ yếu là phục vụ cho công việc.

Khi ngày càng nhiều công ty bình thường hóa việc sử dụng các công cụ như ChatGPT hay Midjourney, việc thông thạo các phần mềm này sẽ giúp người trẻ đóng góp hiệu quả hơn trong công việc. Thế nhưng, không phải công ty nào cũng tổ chức huấn luyện sử dụng trí tuệ nhân tạo cho nhân viên, và đa số người trẻ phải tự mò mẫm học một mình.

Các ngành Sáng tạo thì không cần kỹ năng cứng?

Ở cấp phổ thông, các môn học thường được chia thành hai khối là Tự nhiên hoặc Xã hội, và các môn thuộc khối Tự nhiên như Toán, Lý Hoá thường được mặc định là đòi hỏi lượng kiến thức chuyên môn nhiều hơn những môn Xã hội như Văn, Sử, Địa.

Điều này vô tình khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng chỉ những công việc đòi hỏi phần lớn kiến thức khối Tự nhiên như bác sĩ, lập trình viên hoặc tài chính ngân hàng mới cần kỹ năng cứng. Trên thực tế, mọi công việc dù thuộc lĩnh vực Tự nhiên hay Xã hội đều đòi hỏi kiến thức chuyên môn như nhau.

Thời thế đã thay đổi, giờ kỹ năng cứng quan trọng hơn kỹ năng mềm ảnh 3

Ảnh: NVCC

Chị Ngọc Trâm (nhân sự ngành Truyền thông tại TP.HCM) cho biết, chị gặp nhiều bạn trẻ nghĩ rằng chỉ cần biết sáng tạo, giao tiếp, hay biết mỗi thứ một chút là có thể làm việc trong ngành Marketing, Truyền thông.

“Thực tế, để thành công trong lĩnh vực này, bạn vẫn cần những kiến thức và kỹ năng nền tảng, vì Truyền thông cũng là một ngành đòi hỏi logic, chiến lược rất rõ ràng và có cơ sở”.

Cụ thể, ở lĩnh vực Marketing, Truyền thông, một số kỹ năng cứng thường gặp và cần thiết cho công việc là khả năng phân tích thị trường, phân tích người tiêu dùng; khả năng lập kế hoạch, định hướng chiến dịch.

“Khi xung quanh mọi người nói về thuật ngữ, về thị trường, về các định nghĩa ngành, nếu bạn không nắm bắt được hết thì sẽ khó theo kịp và phát triển nhanh như những bạn đã có sẵn nền tảng”, chị Ngọc Trâm chia sẻ. “Bên cạnh đó, khi có kiến thức và kỹ năng cứng thì nếu phải thuyết trình kế hoạch, ý tưởng của mình với người khác, mình cũng có cơ sở để bảo vệ quan điểm, góc nhìn và ý tưởng của mình”.

Thời thế đã thay đổi, giờ kỹ năng cứng quan trọng hơn kỹ năng mềm ảnh 4

Ảnh: NVCC

Nếu như kỹ năng mềm giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, thì kỹ năng cứng chính là cốt lõi giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn. Thanh Ngân (du học sinh tại Bulgaria) chia sẻ:

“Sau nhiều lần được sửa CV và nộp đơn xin thực tập, tớ đã rút ra được kinh nghiệm rằng một chiếc CV có thật nhiều kỹ năng cứng sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng nhiều hơn là những kỹ năng chung chung như làm việc nhóm hay giao tiếp”.

Cô bạn cũng chia sẻ rằng cách nhanh nhất để bổ sung kỹ năng cứng chính là đăng ký học các chứng chỉ bên ngoài. “Là học sinh ngành Báo chí - Truyền thông, tớ đã đăng ký học ngay lớp Phân tích dữ liệu để phục vụ cho công việc phân tích thị trường, phân tích khách hàng sau này”.

Nhưng cũng đừng bỏ quên kỹ năng mềm

Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong đời sống hằng ngày, đặc biệt ở môi trường chú trọng học thuật như Việt Nam. Khi các kiến thức bộ môn mà teen tiếp thu hằng ngày trên lớp cũng được xem là một dạng kỹ năng cứng, việc trau dồi thêm những kỹ năng mềm như nói trước đám đông, làm việc nhóm hay thấu cảm sẽ giúp teen có lợi thế cạnh tranh hơn. Đặc biệt với những teen có ước mơ du học, “combo” kỹ năng cứng - mềm chính là “bảo bối” chinh phục các trường đại học ở nước ngoài và hoà nhập với môi trường học quốc tế.

Vậy làm sao để cân bằng việc học kỹ năng cứng và rèn luyện kỹ năng mềm? Nhà Hoa gợi ý cho bạn một vài tips sau:

- Tham gia các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ ở trường mình hay các dự án tình nguyện.

- Đăng ký các khóa học online. Các trang web như Udemy, Khan Academy, Coursera, edX, Harvard Online hay Open Yale Course cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí về nhiều chủ đề khác nhau.

- Đăng ký tham gia các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên (như Thử Thách Kim Cương của báo Hoa Học Trò), vừa được học từ các chuyên gia vừa được thoả sức “bung” sáng tạo.

Thời thế đã thay đổi, giờ kỹ năng cứng quan trọng hơn kỹ năng mềm ảnh 8
Tin liên quan