“Có một chân lý được đông đảo mọi người công nhận, ấy là đàn ông độc thân mà lại còn sở hữu một gia tài đáng kể thì ắt hẳn sẽ muốn lấy vợ lắm.”
(trích Kiêu Hãnh và Định Kiến, Jane Austen)
Đó là câu mở đầu bất hủ trong tác phẩm văn học kinh điển Kiêu Hãnh và Định Kiến của nữ văn sĩ Anh Quốc Jane Austen. Một người đàn ông cấu thành một sự thật hiển nhiên. Nhưng trớ trêu thay, kết cục là mọi thứ đảo lộn hoàn toàn khi những người phụ nữ muốn đảm bảo một tương lai ổn định thì phải chủ động kiếm một tấm chồng.
Phiên bản Kiêu Hãnh và Định Kiến xuất bản ở Việt Nam. |
Trong thời đại người phụ nữ không được giáo dục tại trường học, không có cơ hội việc làm, không được trao quyền thừa kế, nếu không may mắn có được xuất thân danh giá thì họ chỉ có thể tìm cách gả vào một gia đình giàu sang để được đổi đời. Giữa những quay cuồng vũ hội cùng âm mưu toan tính của cả một xã hội ganh đua nhau tìm tấm chồng tốt cho các cô gái, nổi lên câu chuyện tình của cô con gái thứ Elizabeth (Lizzy) thông minh, cá tính của gia đình Bennet và chàng quý tộc Darcy.
Phim điện ảnh Kiêu Hãnh và Định Kiến (2005). |
Ngay từ nhan đề Kiêu Hãnh và Định Kiến, Jane Austen đã dẫn dắt độc giả vào khung cảnh thơ mộng của miền quê nước Anh đầu thế kỉ 19 - nơi những niềm kiêu hãnh và định kiến về địa vị xã hội, giai cấp và cả giới tính được phơi bày.
Kiêu Hãnh và Định Kiến vẽ nên một bức tranh rõ ràng về vị thế của phụ nữ vào thời kỳ ấy. Charlotte Lucas, một cô gái khôn ngoan nhưng không có nhan sắc, không có nền tảng gia đình tốt, lại quá lứa lỡ thì. Và thế là cô đã đưa ra một quyết định khiến Lizzy hết sức kinh ngạc và thất vọng: Kết hôn với mục sư Collins - một anh chàng lố bịch, ngu ngốc, một tay trưởng giả học làm sang kệch cỡm.
Dẫu nhạy bén và thông minh (hoặc chính sự nhạy bén và thông minh đã giúp Charlotte hiểu rằng với ngoại hình và địa vị của mình thì cô không có nhiều lựa chọn), Charlotte đã chấp nhận lời cầu hôn của anh chàng mục sư và trở thành bà Collins để ổn định cuộc sống đồng thời không làm gánh nặng cho gia đình. Và hẳn nhiên là với sự chênh lệch trong nhận thức, suy nghĩ và tính cách đã quá rõ ràng, đời sống vợ chồng của Charlotte cùng đức ông chồng Collins cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ.
Keira Knightley trong vai Elizabeth (Lizzy). |
“Hạnh phúc trong hôn nhân hoàn toàn là vấn đề may mắn.”
(lời của Charlotte Lucas, từ Kiêu Hãnh và Định Kiến)
Dẫu không hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Charlotte, nhưng độc giả cũng phải công nhận là cô có lý, ít nhất là trong trường hợp hôn nhân của hai cô con gái lớn nhà Bennet. Thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu hai quý ông Bingley và Darcy đã không đặt chân đến và thuê lại Netherfield? Hiển nhiên là chúng ta sẽ chẳng được chứng kiến những cuộc gặp gỡ, những mối tình lãng mạn và kết thúc tuyệt đẹp với hai cuộc hôn nhân tràn ngập hạnh phúc.
Nhưng sự may mắn chắc chắn không phải là tất cả. Khi Darcy cầu hôn Elizabeth lần đầu (với một cung cách bề trên hết sức ngạo mạn và khó ưa), chàng đã đưa ra một đề nghị vô cùng hấp dẫn: Đó là giải quyết mọi khó khăn cho gia đình Bennet với năm cô con gái lớn chưa chồng đang gặp phải.
Nhưng trước mặt chàng quý tộc điển trai, giàu có và quyền lực, Elizabeth đã từ chối thẳng thừng. Bởi lẽ những ưu điểm tuyệt vời cũng chẳng thể nào che giấu đi được tính kiêu ngạo, trưởng giả ở Darcy, và quan trọng hơn cả là nàng hiểu rằng mình sẽ chẳng thể hạnh phúc khi bước vào hôn nhân với chàng mà không có tình yêu.
Hành động cự tuyệt của Elizabeth cho thấy một thái độ mới về hôn nhân đang nổi lên ở xã hội Anh thời bấy giờ: Dẫu phải tỉnh táo cân nhắc về điều kiện kinh tế của đối phương thì phụ nữ cũng nên yêu người họ lấy làm chồng. Trong những năm đầu thế kỉ 19, Jane Austen đang định nghĩa lại lý tưởng khôn ngoan về tình yêu hiện đại. Đối với bà, một cuộc hôn nhân viên mãn đòi hỏi sự trưởng thành về mặt cảm xúc với những đam mê nồng nàn và một lý trí thực tế, hiểu đời, biết lo toan công việc và thế sự.
Cuối cùng, sau rất nhiều thăng trầm, khi lòng “Kiêu hãnh” của Darcy phải nhún nhường và “Định kiến” nơi Elizabeth được giải tỏa, chàng và nàng đã hiểu, đã yêu và đến được với nhau. Những diễn biến lôi cuốn trong mối tình của Elizabeth và Darcy đã thể hiện tư tưởng tiến bộ của nữ văn sĩ về giới tính, định kiến, hôn nhân và khẳng định quan điểm: Tình yêu là thứ mà chúng ta cần phải học.
Đã hơn 200 năm trôi qua kể từ lần đầu xuất bản của Kiêu Hãnh và Định Kiến, trí tuệ của Jane Austen sánh đôi với gu thẩm mỹ hoàn hảo của bà đã biến câu chuyện tình sôi nổi nơi miền quê nước Anh thành một bản châm biếm sắc sảo hóm hỉnh và một viên ngọc quý trong kho tàng Anh ngữ cho đến tận ngày nay.