Leo bộ 29 tầng cầu thang để giao đồ ăn
Mới đây, một câu chuyện diễn ra ở Hàn Quốc đã gây ra nhiều tranh cãi khi khách hàng yêu cầu shipper leo 29 tầng cầu thang để giao đồ ăn cho mình. Khách hàng này trước đó đã đặt món tại một nhà hàng gà hấp thông qua nền tảng giao hàng trực tuyến. Khi shipper tới tòa nhà, phát hiện thang máy trong căn hộ nơi vị khách ở bị hỏng, anh đành sử dụng thang bộ, đặt đồ ăn trước cửa và rời đi để tiếp tục công việc. Tuy nhiên, khi đã đi xuống tầng 14, nhân viên giao hàng lại nhận được cuộc gọi từ vị khách với lời phàn nàn “Muộn quá!” và yêu cầu anh phải quay trở lại mang đồ ăn về trả cho quán. Khách hàng này thậm chí còn để lại đánh giá 1 sao.
Anh shipper đành leo lên tầng 29 lấy lại đơn hàng theo yêu cầu của vị khách. Ảnh: Internet |
Vị khách sau đó đã lên tiếng giải thích rằng "Vì con tôi còn nhỏ, lại yếu ớt nên tôi hơi bị nhạy cảm với vấn đề ăn uống. Tôi cũng không biết việc thang máy bị hỏng. Tôi xin rút kinh nghiệm." Cách ứng xử và thái độ của vị khách này đã nhận về rất nhiều phê phán gay gắt từ phía cộng đồng mạng vì thiếu trách nhiệm, nhất là khi người này chưa hề đưa ra lời xin lỗi với nhân viên giao hàng.
Nghề nào cũng đáng được trân trọng
Công việc shipper nghe có vẻ đơn giản chỉ là đi đưa hàng nhưng không phải ai cũng có thể làm được, bởi tính chất công việc đòi hỏi ở bạn: Thái độ, sự kiên nhẫn, chăm chỉ và một sức khỏe tốt.
Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội gần đây, mức lương của một shipper có thể đạt mức 20 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, mức lương cơ bản chỉ gần 4 triệu đồng/ tháng, còn lại tùy thuộc vào mức thưởng năng suất. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu muốn nhận mức thu nhập cao, bạn phải đánh đổi rất nhiều thời gian, sức khỏe của bản thân để "cày cuốc", thậm chí không có ngày nghỉ.
Mức thu nhập của một shipper khiến nhiều người bất ngờ nhưng lại không phải công việc "dễ nuốt". (Ảnh: Fanpage Run Your Life) |
Trong khi bạn chỉ cần ngồi nhà đặt đồ ăn qua một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, những người làm công việc shipper phải chạy xe ngoài đường suốt 13 - 14 tiếng đồng hồ/ ngày, bất kể thời tiết nắng 40 độ hay mưa lớn, giá rét... Chưa kể đến việc gặp phải sự cố, rủi ro như tắc đường, hỏng xe, hết xăng... làm chậm thời gian giao hàng và bị khách phàn nàn. Chỉ một đánh giá không tốt hay một đơn hàng bị "bom" cũng có thể khiến họ mất cả ngày công.
Công việc nào cũng có những vất vả, khó khăn riêng và ngành nghề nào cũng đáng được trân trọng. Mỗi người đều cần có trách nhiệm, thái độ nghiêm túc với công việc của bản thân, tuy nhiên sự thấu hiểu, đồng cảm với công việc của người khác cũng là điều rất cần thiết.