Rừng Amazon chính là hệ thống làm mát Trái Đất
Theo nhóm hoạt động vì môi trường Panthera, thì rừng mưa Amazon là vùng đa dạng sinh học nhất Trái Đất, “nắm giữ” khoảng 25% hệ sinh thái toàn cầu, và là nhân tố rất quan trọng đối với các chu trình tự nhiên cần thiết để Trái Đất của chúng ta vận hành bình thường.
“Amazon là vùng rộng nhất trong hệ thống rừng mưa của hành tinh, và nó đóng một vai trò quan trọng đối với khí hậu của Trái Đất” - Cô Laura Schneider, nhà địa lý của Đại học Rutgers (Mỹ), cho biết.
Một trong những cách để rừng Amazon thực hiện vai trò đó chính là hấp thu khí cacbonic - vốn là nguyên nhân lớn khiến Trái Đất nóng lên.
“Rừng Amazon đã hút gần 400 tỷ tấn khí cacbonic khỏi bầu khí quyển” - Daniel Nepstad, giám đốc Học viện Đổi mới Trái Đất, nói.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, thế giới chúng ta thải khoảng 40 tỷ tấn khí cacbonic vào bầu khí quyển. Rừng Amazon sẽ giúp hút bớt 2 tỷ tấn khí đó mỗi năm, tức là bằng khoảng 5% lượng thải ra của cả thế giới. Cho nên, vai trò của rừng Amazon trong việc ngăn chặn sự thay đổi khí hậu là vô cùng lớn.
Ngoài việc hút khí cacbonic, thì rừng Amazon còn giúp làm mát hành tinh. Tất cả nước bay hơi từ những cái cây trong rừng Amazon đều làm Trái Đất mát dịu hơn, giống như chúng ta được làm mát lúc người có nước, rồi nước đó bay hơi vậy.
Rừng Amazon là “nhà” của rất nhiều loài động thực vật
Rừng Amazon là nhà của hơn 30.000 loài thực vật; 2,5 triệu loài côn trùng; 2.500 loài cá; hơn 1.500 loài chim; 550 loài bò sát; 500 loài động vật có vú. Trong đó, có những loài động vật mang tính “biểu tượng” như báo đốm, heo vòi, cá heo sông Amazon, đại bàng Harpy…
Rừng Amazon là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, đấy là chưa kể đến hàng trăm bộ tộc con người cũng coi nơi đây là quê hương của mình.
Vụ cháy năm 2019 có phải vụ cháy đầu tiên ở rừng Amazon không?
Không đâu! Mặc dù ở rừng Amazon thì năm nào cũng có hỏa hoạn, nhưng vụ cháy năm nay là rất đáng lo ngại vì lửa cháy mạnh, lan rộng với tốc độ nhanh và đều đặn vào những khu vực chính của rừng. Thực tế, gần một nửa trong số 77.000 vụ cháy ở khắp Brazil trong năm nay là ở khu vực rừng Amazon.
Rừng Amazon bị tàn phá sẽ khiến Trái Đất lâm nguy ra sao?
Nếu rừng Amazon biến mất thì đó sẽ là thảm họa đối với cả hệ sinh thái lẫn con người. Mặc dù, theo cô Schneider, thì việc gọi rừng Amazon là “lá phổi của Trái Đất” hay “chiếc máy điều hòa không khí của Trái Đất” đều không đúng.
“Tôi sẽ không dùng một trong hai cách gọi đó, vì rừng Amazon không chỉ có một vai trò đối với khí hậu, như kiểu là làm mát, hay hút khí cacbonic. Sự tương tác giữa rừng Amazon với Trái Đất phức tạp hơn nhiều, nên không thể dùng một cách so sánh đơn lẻ nào được”.
Cô Schneider cũng trấn an: “Cũng khó có khả năng là rừng Amazon sẽ biến mất, vì rừng mưa là hệ thống sinh thái rất kiên cường. Tuy nhiên, sự hồi phục của rừng còn phụ thuộc vào hành động của con người, như việc con người có cố gắng bảo vệ rừng không hay là phá rừng lấy đất… Và đó mới là vấn đề đáng lo”.
Trong khi đó, lời khuyên của các chuyên gia dành cho mỗi chúng ta là hãy trồng thêm nhiều cây và tránh dùng các loại hóa chất phun xịt, dù chỉ là đồ xịt cho thơm phòng, để giảm thiểu ô nhiễm, tạo ra môi trường trong sạch hơn từ trong mỗi gia đình.