Trắng đêm vây cổng trường tranh suất học: Vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
33.000 học sinh ở Thủ đô không đủ điểm vào lớp 10 các trường công lập, kéo theo hàng nghìn gia đình như "ngồi trên lửa" tìm suất học cho con. Lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội thừa nhận thực trạng này năm nay lại càng trầm trọng hơn.

Chuyện 33.000 học sinh THCS ở Hà Nội không đủ điểm học trong các trường công lập đang là nỗi lo của không chỉ các em, phụ huynh, các nhà trường và xã hội. Chúng ta hãy thử nhìn nhận hiện tượng này để tìm lời giải cho học sinh sau THCS.

Trước hết, chủ trương phân luồng sau THCS chưa được thực thi như mong muốn. Nhiều phụ huynh vẫn muốn con em mình theo học hết THPT. Họ cho rằng sang tuổi 16, các em học xong THCS chưa đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động sau 1,5 năm học nghề.

Suy nghĩ này còn rất nặng nề trong mỗi gia đình, vì thế cha mẹ các em muốn bằng mọi cách cho các em được học THPT.

Nếu mọi phụ huynh nhận thức được độ tuổi lao động theo quy định của nhiều quốc gia là sau 15 tuổi, việc các em học xong THCS, có 1,5-2 năm học nghề để trở thành người lao động là một điều bình thường.

“Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020” đề ra mục tiêu học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chiếm tỷ lệ 30% vào năm 2020, nghĩa là đến năm 2020, quy mô học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống GDNN là khoảng 320.000 - 330.000 học sinh.

Trắng đêm vây cổng trường tranh suất học: Vì đâu nên nỗi? ảnh 1

Học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi lớp 10. Ảnh: Thạch Thảo

Mục tiêu này cho tới hiện nay chưa hoàn thành bởi nhiều phụ huynh không muốn con mình học nghề, nhiều học sinh không muốn mình vào học các trường nghề sau khi học xong THCS; công việc truyền thông về phân luồng, chính sách sử dụng lao động... cũng đã không khuyến khích học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS.

Theo các thông báo gần đây, số học sinh sau khi học xong THCS tiếp tục học tiếp THPT trong cả nước có tỉ lệ cao hơn 75%, khu vực nông thôn, tỉ lệ này cao hơn.

Việc học sinh tiếp tục chọn và cho rằng chỉ có con đường vào THPT (sau đó tiếp tục học đại học và cao đẳng) mới là con đường dẫn tới thành công là một trong những nguyên nhân dẫn tới học sinh không muốn “đi lối khác” sau THCS và đó là một lựa chọn không chính xác nếu không muốn nói là sai lầm!

Hãy khoan nói đến việc muốn con bằng mọi cách tốt nghiệp THPT rồi cao đẳng và đại học là lỗi của cha mẹ. Ai trong chúng ta cũng đều muốn con cái mình được học tử tế, để sau này ra đời, đi làm sẽ lựa chọn được những việc làm nhẹ nhàng, thu nhập cao.

Tuy nhiên, phải thấy rằng, việc lựa chọn của thị trường lao động có những quy luật riêng: không phải bất cứ nghề nghiệp nào, vị trí việc làm nào cũng đòi hỏi người lao động phải có trình độ đại học/cao đẳng.

Trong một công trình nghiên cứu gần đây của Hoàng Thị Minh Hà & Đinh Thị Hảo cho thấy: “Cơ cấu lao động qua đào tạo có bằng cấp của Việt Nam và chuyển dịch theo hướng ngày càng bất hợp lý hơn” bởi theo kinh nghiệm quốc tế, tỉ lệ lao động có trình độ bậc trung và sơ cấp phải là nhóm có tỷ lệ cao nhất.

Mô hình tiêu chuẩn ở các nước phát triển là 1/4/10 (trong đó 1: Lao động có trình độ đại học và cao đẳng, 4: Lao động có trình độ trung cấp và 10: Lao động đã được đào tạo qua dạy nghề), trong khi đó, mô hình của Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Năm 2018 tỷ lệ tương ứng là 1/0,3/0,4.

Tỷ lệ lao động trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vốn đã thấp, lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua. Cũng theo hai tác giả này: “Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ trung cấp và sơ cấp. Hay nói cách khác, nếu lấy số lượng lao động trình độ sơ cấp/dạy nghề hiện nay làm gốc tham chiếu, Việt Nam đang thừa một lượng lớn lao động trình độ cao (từ cao đẳng trở lên)”.

Lao động có trình độ cao đẳng và đại học chiếm tỉ lệ cao như vậy nhưng năng suất lao động của chúng ta thuộc vào hàng thấp trong các nước Đông Nam Á. Đây là một cảnh báo cho nghịch lí sử dụng lao động qua đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

Một chuyên gia về Kiểm định chương trình đào tạo có tiếng đã phải thốt lên: “Cao đẳng, đại học dư chỗ, khó tuyển sinh, chạy khắp nơi tư vấn tìm sinh viên nhưng lớp 1, lớp 6, lớp 10 phụ huynh lại chen lấn, xô sập cổng trường tìm suất học cho con”.

Trở lại việc phụ huynh đôn đáo, chạy ngược chạy xuôi kiếm trường cho con ở mọi cấp học không thể coi là một hiện tượng bình thường. Mặc dù chúng ta đã có những chính sách về tuyển sinh các lớp đầu cấp ở Hà Nội và TP.HCM nhưng vẫn chưa thể có được bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục phổ thông.

Thông thường, các gia đình khá giả, chi phí cho con em học tập thường cao hơn nhiều so với những gia đình nghèo khó – đây là một bất bình đẳng lớn nhất về cơ hội tiếp cận giáo dục giữa người giàu và người nghèo. Người nghèo - cơ hội tiếp cận giáo dục thấp hơn nhiều so với người giàu, nhất là khi bị giới hạn bởi chỉ tiêu tuyển sinh và học phí.

Học phí giáo dục bậc phổ thông có sự khác biệt vô cùng lớn giữa khu vực công và khu vực tư. Phụ huynh cần lưu ý điều này, bởi trong cuộc chạy đua không cân sức vào các trường công lập, sự thua thiệt luôn đồng hành với gia đình nghèo.

Khi không còn nhận được sự bảo trợ của nhà nước, con em các gia đình nghèo chỉ có thể dựa vào năng lực của chính các em trong cuộc đua này, vì thế phụ huynh hãy cân nhắc thật kĩ trong việc tiếp tục cho con em mình theo học THPT hay học nghề.

Chính phủ của các nước phát triển, nhờ sự phát triển kinh tế xã hội, nhà nước đã đề ra luật cho công dân của họ có quyền và nghĩa vụ học hết THPT. Mặc dù vậy nhưng không phải học sinh nào cũng lựa chọn con đường theo học THPT, khoảng hơn 1/4 số học sinh trong độ tuổi THPT ở các nước phát triển đã theo học trong các trường nghề, họ bước vào thị trường lao động khi hết tuổi trung học phổ thông - đó là một lựa chọn đúng đắn.

Hà Nội không phải không có đất cho phát triển giáo dục, nhưng những chính sách khuyến khích phát triển trường nghề chưa thu hút các nhà đầu tư giáo dục. Nếu giải quyết tốt việc phân luồng bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thay đổi cách nhìn và thái độ của phụ huynh và học sinh với trường nghề và thị trường lao động, hiện tượng phụ huynh phải vất vả chạy ngước chạy xuôi chắc chắn sẽ không còn.

Vấn đề còn lại không chỉ là chính sách và thực thi chính sách mà còn là sự thay đổi tư duy của một cộng đồng luôn nhìn nhận con người qua bằng cấp chứ không phải năng lực và yêu cầu về trình độ ở vị trí lao động của họ.

Nếu không thay đổi tư duy của lãnh đạo, của doanh nghiệp, và người dân, không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng vẫn còn hiện tượng chạy đua trong giáo dục phổ thông mà người thiệt hại nhiều nhất chính là con em chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Theo https://vietnamnet.vn/nghich-ly-chen-lan-tranh-ve-vao-lop-10-nhung-dai-hoc-lai-khat-sinh-vien-2162029.html
MỚI - NÓNG
Các bạn nhỏ tự hào tham gia Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc
Các bạn nhỏ tự hào tham gia Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc
3 ngày tham gia Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên toàn quốc tại tỉnh Điện Biên là niềm vinh dự to lớn của mỗi đại biểu thiếu nhi. Được tới thăm những địa danh, gặp gỡ những nhân chứng làm nên lịch sử hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mang lại cảm xúc không thể nào quên với các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm