Cảm xúc như đường tàu lượn siêu tốc
Bước vào tuổi teen, cảm xúc thay đổi bất chợt, có lúc bạn thật hào hứng, nhưng ngay sau đó lại ủ rũ, chẳng thiết tha điều gì. Điều đó rất bình thường, bởi ở những năm tháng vô tư là một đứa trẻ, bạn cũng từng chứng kiến tâm trạng mình thay đổi liên tục; ngay cả với người lớn, việc này cũng không hiếm. Nhưng ở giai đoạn tuổi teen, việc thay đổi cảm xúc khiến bạn bối rối. Vì sao thế? Vì bạn đang đối diện với rất nhiều sự xáo trộn. Bạn đang có những bước chuyển, vừa vẫn còn “hình bóng” tính cách của năm tháng vô tư, vừa chuẩn bị khoác lên mình hình ảnh “người trưởng thành”.
Cơ thể thay đổi trong năm tháng tuổi teen, song song đó là quá trình bạn học cách tự nhận thức về bản thân đang có bước chuyển ngoạn mục.
Từ đó, bạn có nhu cầu về không gian, thời gian riêng tư nhiều hơn. Chưa hết, hoạt động não bộ thay đổi trong giai đoạn này (não chúng ta vẫn liên tục thay đổi đến trước 20 tuổi) kích thích tạo các hormone. Phần não phát triển cuối cùng là vùng vỏ não trước trán được kết nối chặt chẽ với các khu vực chịu trách nhiệm điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy rất khó kiểm soát những cảm xúc mạnh, khiến bạn có phản ứng dữ dội trong một số trường hợp.
Điều bạn cần làm là gì?
Tránh né, phủ nhận hay sợ hãi cảm xúc ấy không giúp ích được gì. Điều chúng ta có thể làm là xây dựng cho mình một chiến lược giúp bản thân ngày càng vững vàng hơn, hiểu rõ cảm xúc hơn và sẵn sàng đối diện, tích góp những bước chuyển quan trọng, hướng đến một giai đoạn trưởng thành khỏe mạnh.
Tránh né, phủ nhận hay sợ hãi cảm xúc ấy không giúp ích được gì. Ảnh: Internet |
Chiến lược này gồm 4 ghi nhớ, và bạn có thể bắt đầu thực hành ngay hôm nay:
1. Học cách "cưỡi sóng"
Khi cảm xúc mạnh lấn lướt, bạn có thể bị nhấn chìm hoặc để cảm thấy an toàn, bạn tìm cách tránh né. Nhưng có một chiến lược hữu ích là quan sát cơn sóng từ giai đoạn chớm bắt đầu, từ đó học cách cưỡi cơn sóng đó mà không bị cuốn trôi.
- Chú ý đến hơi thở và chủ động làm cho hơi thở chậm, sâu dần khi đối diện với những cơn sóng bắt đầu một cảm xúc mới lạ.
- Thư giãn cơ thể, thư giãn toàn bộ cơ từ đỉnh đầu đến ngón chân.
- Quan sát cảm xúc bạn đang đối diện cùng lúc quan sát cơ thể mình.
· Không đưa ra đánh giá bản thân, thay vào đó là cảm nhận hơi thở, toàn bộ cơ thể và cảm xúc đang hợp tác với nhau để điều hòa những xáo trộn bên trong.
- Quan sát sự nhẹ nhõm khi cơn sóng dữ đã đi qua.
Học cách cưỡi cơn sóng của cảm xúc dữ dội thay vì tránh né, phủ nhận. - Ảnh: words2win |
2. Ý thức trong từng suy nghĩ, hành động
Đây là yếu tố thực hành mang tính dự phòng. Nếu thường xuyên thực hành, bạn sẽ dễ dàng đối diện với những lúc cảm xúc mạnh ập đến.
- Ý thức những lúc mình để cho suy nghĩ đi lang thang vì khi ấy, những gì bạn hình dung sẽ đi rất xa so với những gì đang thật sự diễn ra. Nỗi buồn hay bất cứ cảm xúc tiêu cực nào cũng trở lên to lớn hơn mà lẽ ra, bạn chỉ cần làm việc với nỗi buồn như nó đang thực sự tồn tại.
- Thực hành sự tập trung và chú ý. Chỉ làm một việc vào một thời điểm. Việc thực hành này giúp bạn có thể cân bằng cảm xúc tiêu cực bằng việc nhập tâm vào hoạt động có ích.
Quan sát được suy nghĩ, cảm xúc giúp bạn gọi tên được vấn đề mình đang đối diện, từ đó có cách đối diện phù hợp - Ảnh: freepik |
Sau bước dự phòng, việc ý thức trong từng suy nghĩ, hành động sẽ giúp bạn nhận biết, gọi tên cảm xúc. Với sự tức giận, bạn có thể diễn giải phía sau đó là: Sự thất vọng, sợ hãi, lo lắng hay mệt mỏi. Xác định đúng lý do là bước quan trọng giúp bạn điều hòa lại cảm xúc trong mình.
3. Rèn luyện thể chất
Chọn bất kỳ hoạt động thể chất nào bạn cảm thấy hứng thú, phù hợp với mình để rèn luyện theo những khung giờ nhất định hoặc bất cứ khi nào bạn muốn thư giãn. Việc rèn luyện thể chất giúp giải phóng endorphin (hormone hạnh phúc giúp giảm đau và căng thẳng), tạo cảm giác đạt được thành tích. Những cảm xúc rối bời sẽ nhường chỗ cho sự tự tin và cảm xúc tích cực trong bạn.
Rèn luyện thể chất giúp gia tăng sự tự tin và giải phóng hormone hạnh phúc endorphin - Ảnh: freepik. |
4. Detox giấc ngủ
Giấc ngủ đảm bảo chất lượng cũng giống như việc bạn được sạc đủ năng lượng cho một ngày. Thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ sẽ khiến bạn dễ rơi vào tâm trạng căng thẳng hoặc chán chường.
Hãy bắt đầu bằng việc lên một thời khóa biểu đi ngủ sớm và thức dậy sớm, bạn sẽ dần nhìn thấy tâm trạng mình thay đổi tốt lên như thế nào.