Theo báo cáo giải mã bộ gene của biến thể SARS-CoV-2 ở các ca nhiễm bắt nguồn từ sân bay Tân Sơn Nhất, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện, thì đó là biến thể thuộc dòng A.23.1, lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á.
Dòng này có một đột biến giống với biến thể lây nhiễm cực nhanh ở Anh, tuy nhiên, A.23.1 đã phát triển một cách riêng biệt. Biến thể ở Anh, gọi là B.1.1.7, thuộc “dòng B”. Còn biến thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, mà trước đó đã xuất hiện ở Rwanda, Uganda và một số nước khác, thuộc “dòng A”.
Những biến thể mới của SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: David Talukdar/ NurPhoto/ Getty.
Theo Nhóm hành động Toàn cầu về Chia sẻ Dữ liệu Cúm Gia cầm (GISAID), thì A.23.1 là một dòng riêng với một số biến thể, đều được coi là “mối lo tiềm ẩn về mặt sinh học”.
Từ tháng 6 đến tháng 10/2020, SARS-CoV-2 dòng A chỉ chiếm 25% tổng số ca được phân tích ở vùng Kampala. Đến tháng 12, đã có tới 49-50% số mẫu được giải mã từ vùng Kampala (Uganda) là thuộc dòng A.23.1, cho thấy tốc độ lây lan của nó cũng không phải dạng vừa.
Các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm tại Paris (Pháp) đang giải mã trình tự gene của các biến thể SARS-CoV-2. Ảnh: Christophe Archambault/ AFP/ Getty Images.
Một điều quan trọng là biến thể ở Uganda có những biến đổi về gene ở protein gai - bộ phận của virus để tấn công tế bào trong cơ thể người. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, một đột biến tên là P681R khiến biến thể ở Uganda hoạt động tương tự như biến thể B.1.1.7 ở Anh, tức là giúp virus tăng khả năng lây lan.
Không chỉ vậy, tại Anh, dòng A.23.1 cũng đang được Hệ thống Y tế Công cộng nghiên cứu rất kỹ, bởi nó có cả đột biến E484K, chính là đột biến được tìm thấy trong biến thể ở Nam Phi. Nhiều nhà khoa học tin rằng, đột biến này giúp virus “né” được kháng thể. Đây có thể là lý do khiến một số loại vắc-xin giảm hiệu quả đối với biến thể virus ở Nam Phi.
Một nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho một bệnh nhân ở châu Phi. Ảnh: Nardus Engelbrecht/ AP.
Như vậy, SARS-CoV-2 dòng A.23.1 dường như kết hợp những đặc điểm của cả biến thể ở Anh lẫn ở Nam Phi: Dễ lây hơn và giỏi “né” kháng thể hơn. Có lẽ chính vì vậy mà nó được gọi là "mối lo tiềm ẩn".
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định rằng, chưa có kết luận rõ ràng về tác động của biến thể thuộc dòng A.23.1. Tất cả những vấn đề trên mới chỉ là những nhận định ban đầu và còn cần xem xét thêm nhiều nữa.