iPhone Photography Awards (IPPAWARDS) là cuộc thi nhiếp ảnh thường niên được tổ chức cho các nhiếp ảnh gia sử dụng iPhone để chụp và xử lý hình ảnh. Đây là cuộc thi đầu tiên và lâu nhất dành cho các nhiếp ảnh gia sử dụng iPhone, được bắt đầu từ năm 2007, thời điểm ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, cho đến nay.
Từ năm 2007, ban tổ chức của IPPAWARDS đã chọn ra những hình ảnh đẹp nhất chụp bằng iPhone trong số hàng ngàn bức ảnh được đăng ký bởi các nhiếp ảnh gia từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp của hơn 120 quốc gia khác nhau trên thế giới.
Những bức ảnh chụp có thể sử dụng các ứng dụng ngay trên smartphone để xử lý lại ảnh, nhưng ứng dụng Photoshop bị cấm sử dụng cho mục đích này, trong khi đó các ứng dụng xử lý ảnh khác như VSCO hay Lightroom đều được phép sử dụng.
Hội đồng giám khảo của IPPAWARDS sẽ lựa ra “Nhiếp ảnh gia của năm”, là người sở hữu bức ảnh đẹp nhất để trao danh hiệu chiến thắng. Ngoài ra, ban tổ chức còn lựa chọn những bức ảnh đẹp nhất trong từng chủ đề khác nhau.
Một điều khá thú vị là những bức ảnh đạt giải ngoài việc được chụp bằng những chiếc iPhone đời mới như iPhone X hay iPhone 8 thì vẫn có bức ảnh được chụp bằng iPhone 5S vẫn đã giành được chiến thắng.
Người giành được chiến thắng ở cuộc thi năm nay (giành giải đặc biệt) là nhiếp ảnh gia người Bangladesh Jashim Salam. Jashim Salam là một nhiếp ảnh gia tài liệu sống tại Bangladesh, đã tốt nghiệp môn nhiếp ảnh tại Học viện nhiếp ảnh và truyền thông Nam Á (Bangladesh). Bức ảnh Salam chụp những đứa trẻ của dân tộc Rohingya đang chăm chú theo dõi một bộ phim về sức khỏe và vệ sinh môi trường ở trại tị nạn gần quận Ukhiya (Bangladesh) đã giành được chiến thắng ở cuộc thi năm nay.
Ba nhiếp ảnh gia đạt những giải thưởng còn lại bao gồm nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ Alexandre Weber, nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Huapeng Zhao và nhiếp ảnh gia người Myanmar Zarni Myo Win là những người đạt giải nhất, nhì và ba ở cuộc thi năm nay.
Cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp và đầy nghệ thuật được chụp bằng iPhone đã giành chiến thắng ở các hạng mục của IPPAWARDS năm nay: