Nghiên cứu mới của Đại học King’s (London, Anh) có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra và sản xuất vắc-xin chống COVID-19 trên khắp thế giới. Theo đó, các xét nghiệm máu của bệnh nhân và nhân viên y tế cho thấy rằng, mặc dù 60% số người đã nhiễm bệnh có thể có kháng thể “hiệu quả” với virus corona mới, nhưng chỉ 17% giữ được mức độ kháng thể “hiệu quả” đó sau 3 tháng.
Kháng thể trong cơ thể bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 cũng chẳng tồn tại lâu. Ảnh: REUTERS/Carl Recine.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, những người bị nhiễm COVID-19 sẽ có mức kháng thể - có thể giết được con virus này - lên đến đỉnh vào thời điểm khoảng 3 tuần kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Nhưng mức kháng thể đó sẽ tụt xuống nhanh chóng. Sau 3 tháng thì trong một số trường hợp, mức kháng thể giảm đến 23 lần, còn một số trường hợp khác thì… không thấy kháng thể đâu nữa!
“Cơ thể con người tạo ra kháng thể để chống virus, nhưng nó lại suy yếu trong một khoảng thời gian ngắn quá” - bác sĩ Katie Doores, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Bác sĩ Katie Doores (người đứng sau).
Tất nhiên, về lý thuyết thì hệ miễn dịch của chúng ta có thể chiến đấu với virus theo nhiều cách. Nhưng nếu kháng thể là yếu tố chính trong việc đánh bại SARS-CoV-2 thì kết quả nghiên cứu này quả thật khiến người ta lo lắng. Bởi như thế có nghĩa là virus corona có thể tấn công theo mùa, giống như cúm mùa, trong khi vắc-xin lại không bảo vệ được dài hạn.
Và như thế cũng có nghĩa là những người đã khỏi COVID-19 có thể cũng chẳng miễn dịch được tốt như trước đây chúng ta vẫn nghĩ, và họ hoàn toàn có thể bị nhiễm lại.
Nhiều phòng thí nghiệm ở nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu vắc-xin chống COVID-19.
“Bị nhiễm bệnh có xu hướng là điều kiện tốt nhất để cơ thể có kháng thể. Nên nếu việc nhiễm bệnh cũng chỉ cho bạn mức kháng thể mà biến mất sau 2-3 tháng, thì khả năng lớn là vắc-xin cũng sẽ vậy thôi” - bác sĩ Doores nói.
Mà vì kháng thể không tồn tại lâu nên nếu có vắc-xin thì chúng ta cũng không chỉ tiêm một mũi mà đủ được. Chúng ta sẽ phải tiêm nhắc, nhưng chẳng lẽ cứ 2-3 tháng lại phải tiêm nhắc một lần? Rồi sẽ phải tiêm bao nhiêu mũi?
Thông tin này khiến các nhà nghiên cứu lại thêm đau đầu, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo rằng, đại dịch COVID-19 đang tệ hơn, và cuộc sống sẽ không sớm trở lại theo kiểu “bình thường cũ” đâu.
Chẳng lẽ cứ 2-3 tháng lại phải tiêm vắc-xin COVID-19 một lần? Ảnh: Sven Simon/ F. Hoermann.
Hiện trên thế giới có khoảng 140 loại vắc-xin chống COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển, nhưng chưa ai biết là mỗi liều vắc-xin có tác dụng trong bao nhiêu lâu.