1. El Ateneo Grand Splendid, Buenos Aires, Argentina
Cửa hàng sách tuyệt đẹp này nằm ở thành phố Buenos Aires của Argentina, trong một nhà hát cũ. Nhà hát mở cửa từ năm 1919, biểu diễn các chương trình bale, opera và nhiều chương trình khác.
Đến năm 2000, tòa nhà này chuyển thành hiệu sách nhưng vẫn giữ lại toàn bộ các trang trí cũ, bao gồm cả vòm mái trung tâm được sơn theo phong cách frescoes của Ý. Đây là nơi thu hút rất nhiều khách du lịch, có đến 120.000 cuốn sách và cả một cửa hàng cà phê.
2. Maison Assouline, London, Anh
Maison Assouline nằm ngay ở trung tâm London với nội thất gỗ sẫm màu và trần cao.
Hiệu sách sang trọng này nằm trong sảnh ngân hàng Grade II-listed Edwardian vốn là thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng Edward Lutyens vào năm 1922.
Ngoài sách, ở đây còn có quán cà phê với các đồ ăn ngọt, trà, rượu champagne và cocktails. Ở tầng trên là nơi trưng bày các bộ sưu tập đồ cổ.
3. Shakespeare and Company, Paris, Pháp
Dưới bóng tối của Nhà thờ Đức Bà là hiệu sách Shakespeare and Company của ông George Whitman, mở cửa từ năm 1951. Nơi đây từng đón rất nhiều nhà văn đến ngủ hàng tối. Nhiều ấn phẩm văn học cũng ghi nơi biên tập lại chính hiệu sách này.
Ngày nay, những con con mọt sách vẫn có thể ngủ lại đây, có giường nằm giữa các giá sách nên rất thuận tiện cho việc đọc. Đã có hơn 30.000 vị khách ở lại qua đêm tại đây kể từ khi nó mở cửa.
4. Livraria Lello, Bồ Đào Nha
Đây là một trong những hiệu sách lâu đời nhất ở Bồ Đào Nha. Hiệu sách có phong cách Gothic ấn tượng thuộc về hai anh em Jose và Antonio Lello từ năm 1906.
Bên trong, thiết kế có các cầu thang lộng gió, cửa sổ kính màu và chạm khắc gỗ tinh xảo. Nhiều người nói rằng đây từng là nơi yêu thích của J.K. Rowling, tác giả của Harry Potter. Bà từng dạy tiếng Anh trong khu vực này và là một độc giả thường xuyên, thường uống cà phê và đọc sách trên tầng hai.
5. Trung tâm sách Mỹ, Amsterdam, Hà Lan
Hiệu sách nổi tiếng của Amsterdam với thiết kế nhà cây với các nhánh cây vươn cao từ sàn lên đến tận trần nhà. Rất nhiều các buổi kí tặng, hội thảo, và nói chuyện về sách được diễn ra trong không gian cửa hàng.
Hiệu sách thành lập từ năm 1972 bởi hai người Mỹ. Đây được coi là hiệu sách tiếng Anh nổi tiếng nhất của châu Âu.
6. Barter Books, Alnwick, Anh
Barter Books là một trong những hiệu sách cổ nhất của vương quốc Anh. Nằm ở bên trong phòng chờ ga tàu Victorian ở Alnwich, Northumberland, nơi đây có những bộ sưu tập đáng ghen tị từ sách cổ đến các tiểu thuyết đương đại.
Nơi đây có nhà hàng buffet của nhà ga, phục vụ các món ăn kiểu Anh cổ điển, gồm có súp, bánh mì sandwich và bánh Victoria.
7. Corso Como, Milan, Italia
Được mở cửa vào năm 1990, nơi đây vừa là hiệu sách, vừa là phòng trưng bày ở Milan. Corso Como hiện nay còn là khu phức hợp mua sắm và ăn uống.
Cửa hàng sách có nội thất tối giản với ánh sáng rực rỡ. Các bàn cà phê sang trọng để đọc sách nằm rải rác xung quanh để du khách nghỉ ngơi và dừng chân. Ngoài ra còn có ba phòng khách sạn sang trọng cho những ai mệt mỏi do mua sắm có thể thư giãn.
8. Waterstone's Bradford Wool Exchange, Bradford, Anh
Hiệu sách Waterstones ở Bradford nằm trong một tòa nhà khổng lồ với kiến trúc Gothic thế kỷ thứ 19. Cùng với những cột trụ đá, vòm mái cong hỗ trợ bởi dầm gỗ và các nét kiến trúc nguyên thủy, cửa hàng thu hút một lượng lớn độc giả đến đọc sách hoặc chiêm ngưỡng kiến trúc từ tầng lửng, nơi phục vụ cà phê và rất nhiều món ăn.
9. Cafebreria El Pendulo, Mexico
Hiệu sách Cafebreria El Pendulo ở thành phố Mexico có hai tầng với những tán lá xanh mướt, giống như mang cả không gian bên ngoài vào trong.
Ban công cho phép khách có thể nhìn xuống các giá sách bên dưới, nơi đây cũng có các chỗ ngồi xinh xắn để thư giãn. Tầng một có quán cà phê, tầng 2 có quầy bar, vì thế độc giả có thể nạp “năng lượng’ mỗi khi cần.
10. Nhà sách Zhongshuge, Thượng Hải, Trung Quốc
Hiệu sách Zhongshuge ở Thượng Hải nổi tiếng với nội thất giống như bên trong con tàu vũ trụ. Trần nhà lát gương nên lúc nào cũng có những người đến xem sách háo hức chụp ảnh chính mình đang ngước lên từ phía dưới.
Cửa hàng sách là sản phẩm của Jin Hao, một cựu giáo viên. Ông vẫn tin vào việc bán sách ở các cửa hàng truyền thống, nên đã tìm cách biến cửa hàng của mình thành kỳ quan kiến trúc của nghệ thuật để hấp dẫn mọi người đến với các tác phẩm văn học có giá trị.