Mới đây, 500.000 tài khoản Google+ đã bị thâm nhập bởi một lỗ hổng trong nền tảng API. Vì lẽ đó, dữ liệu cá nhân của 500.000 người dùng từ năm 2015 đến tháng 3/2018 năm nay đều bị ảnh hưởng. Tuy chưa tìm thấy chứng cứ cụ thể về việc các dữ liệu này có bị lạm dụng hay không nhưng Google đã quyết định sẽ đóng cửa mạng xã hội này vĩnh viễn.
Được biết, lỗ hổng này đã được phát hiện vào tháng 3/2018 dựa vào một đánh giá nội bộ có tên Project Strobe - chuyên để kiểm tra quyền truy cập vào dữ liệu người dùng, thông qua tài khoản Google của các nhà phát triển phần mềm thuộc bên thứ 3. Các thông tin từ tiểu sử người dùng được đánh dấu là riêng tư trên Google+ như địa chỉ email, giới tính, độ tuổi, hình ảnh, trạng thái mối quan hệ, địa điểm sống và nghề nghiệp, đã được cấp quyền truy cập cho bên thứ 3 từ lỗ hổng này. Tuy vậy, thời điểm đó, Google chọn cách "giấu nhẹm" sự việc.

Lí giải cho việc Google không tiết lộ về lỗ hổng cũng như việc sửa lại nó như thế nào, các trang báo cho biết bởi vì "ông lớn" công nghệ này không muốn bị giám sát về quy định từ các nhà lập pháp.
Tuy vậy, cho đến cuối cùng, Google vẫn quyết định "khai tử" Google+. Quyết định này được đưa ra không chỉ vì sự cố lộ thông tin người dùng mà còn vì trên thực tế, mức độ sử dụng Google+ rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người dùng.

Google+ ra mắt vào năm 2011. Song 7 năm đã trôi qua, mạng xã hội này vẫn không thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, qua đó thất bại thảm hại so với đối thủ cạnh tranh Facebook. Cuối cùng, Google đã loại bỏ một số tính năng phổ biến như các cuộc trò chuyện trong Hangout, cũng như khả năng chụp ảnh của mạng xã hội này thành các ứng dụng độc lập. Hôm thứ 2 vừa qua, công ty cũng cho biết 90% các lượt vào Google+ hiện nay chỉ kéo dài ít hơn 5 giây.
Song, cách giải quyết của Google cho sự cố này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn cho rằng họ không tìm ra cách để khắc phục nên đành xóa sổ Google+ để "lấp liếm" những sai sót. Sau vụ lộ thông tin của Google+ và Facebook, nhiều người tỏ rõ sự lo lắng đối với vấn đề an ninh mạng hiện nay, khi các dữ liệu cá nhân quá dễ dàng bị thâm nhập và ảnh hưởng.