Đợt nắng nóng ở cả 3 miền vẫn đang tiếp diễn. Phần lớn các tỉnh thành đều có nắng nóng từ sáng sớm, nhiệt độ lên rất cao vào buổi trưa và chiều.
Trưa thứ Bảy, 27/4, nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời ở Hà Nội là 50oC, nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung cũng nóng dữ dội.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ đo được cao nhất trong ngày 27/4 tại trạm đo Láng (Hà Nội) là 41,5oC, Yên Châu (Sơn La) là 42oC, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là 42,8oC, Tương Dương (Nghệ An) là 43,2oC, Đông Hà (Quảng Trị) là 42,9oC… Đây là những mức nhiệt độ rất cao, vì nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời vào buổi trưa và chiều những ngày này có thể cao hơn thế 3 - 7oC hoặc hơn, nhất là ở những nơi có mặt đường nhựa lớn, nhiều nhà cao tầng. Một ví dụ là vài ngày trong tuần vừa rồi, nhiệt độ đo được ở Bangkok (Thái Lan) là 39oC nhưng nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời vượt 52oC.
Nhiệt độ đo cao nhất ngày 27/4 tại một số trạm đo ở nước ta. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. |
Nắng nóng vẫn duy trì trong Chủ Nhật và thứ Hai (28 - 29/4) nhưng thứ Hai sẽ là ngày nóng đỉnh điểm ở miền Bắc. Theo dự báo hiện tại, vào khoảng 13 - 14h thứ Hai, nhiệt độ cảm nhận ở Hà Nội sẽ lên đến 52oC, có khu vực trong thành phố lên đến 53oC, Thái Nguyên 49oC, Việt Trì 51oC, Nam Định 50oC…
Vậy tại sao nắng nóng ở miền Bắc duy trì từ ngày 25/4 mà đến 29/4 mới là ngày nóng đỉnh điểm? Theo các chuyên gia khí tượng, trong một đợt nắng nóng kéo dài, ngày thứ 4 đến thứ 6 thường có nhiệt độ cảm nhận thực tế cao hơn nhiều nhất so với nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Đó là do sự kết hợp giữa ánh nắng và sự hấp thụ nhiệt của bê-tông, đường nhựa…, hơi nóng được “tích lũy”, tăng dần lên và thường là ngày thứ 4 đến thứ 6 của một đợt nóng sẽ là lúc nóng khó chịu nhất.
Nhiệt độ ở một số tỉnh thành miền Bắc lúc 14h thứ Hai, 29/4: Có khu vực ở Hà Nội lên đến 53oC. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap. |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ ngày 1 - 2/5, nắng nóng trên cả nước có khả năng giảm dần.