Khoản 12 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP giải thích, VNelD là ứng dụng trên thiết bị số do Bộ Công an tạo lập, phát triển để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử; phát triển các tiện ích để phục vụ cá nhân, cơ quan, tổ chức.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Tài khoản VNeID sử dụng số định danh cá nhân (số Căn cước công dân gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập.
Khi sử dụng VNeID, người dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở 2 mức:
- Tài khoản định danh điện tử mức 1 có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
- Tài khoản định danh điện tử mức 2 có giá trị tương đương với sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.
Đồng thời, cung cấp thông tin có trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như giấy phép lái xe (GPLX), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)… để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.
(Căn cứ Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)
Theo thông tin trên, người dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID thay thế GPLX, thẻ BHYT và các giấy tờ khác với điều kiện đã đồng bộ các giấy tờ này vào tài khoản định danh mức 2.
Ngoài dùng thay GPLX, thẻ BHYT, sắp tới ứng dụng VNeID sẽ có thể sẽ tích hợp thêm nhiều tiện ích hơn. Tại Đề án phát triển định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia kèm theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra một số mục tiêu:
- Giai đoạn 2023 - 2025: Ứng dụng VNeID có thể sẽ cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ký số các hợp đồng điện tử…
- Giai đoạn 2025 - 2030: Cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.