Tọa lạc ở phía nam Đại Tây Dương và cách bờ biển bang Sao Paulo, Brazil, khoảng 35 km, đảo Ilha de Queimada Grande, hay còn gọi là đảo Rắn, là nơi hơn 400.000 rắn cực độc trú ngụ. Loài rắn nguy hiểm nhất thế giới, rắn hổ lục đầu vàng, cũng hiện diện ở đây với mật độ 1-5 con/m2.
Thiên nhiên ban tặng cho đảo Ilha de Queimada Grande những "công trình" tuyệt đẹp. Lẽ ra nơi đây có thể trở thành thiên đường du lịch tại Brazil. Tuy nhiên, số lượng rắn quá đông và nọc rắn trên đảo độc gấp 5 lần so với nọc rắn trong đất liền. Do đó, hải quân Brazil đã cấm tất cả mọi người, trừ một số nhà khoa học, bước chân đến hòn đảo này.
Hơn 30 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, Pripyat vẫn là một thành phố ma. Nồng độ phóng xạ ở đây cao gấp hàng trăm nghìn lần so với bình thường. Nhiều loài động vật phát triển mạnh tại nơi đây do không có sự tác động của con người. Tuy nhiên, tỷ lệ đột biến rất cao do nguồn thức ăn của chúng bị nhiễm lượng phóng xạ lớn.
Các nhà khoa học cho rằng, nồng độ phóng xạ ở thành phố này chỉ quay về mức bình thường và an toàn cho con người sinh sống trong 24.000 năm nữa. Hiện tại, vài chục công nhân làm việc trong thành phố khoảng vài giờ mỗi tháng để khôi phục lại một số công trình.
Ấn Độ sở hữu chủ quyền đối với đảo North Sentinel nhưng những người dân trên đảo thậm chí chẳng biết "Ấn Độ" là gì. Thực tế, hòn đảo là nơi cư trú của khoảng 50-400 người. Họ hoàn toàn không chào đón những vị khách đến từ thế giới bên ngoài. Kết cục của những người lạ rất bi thảm. Nhiều người bị đốt và ném đá đến chết. Sau nhiều lần thất bại trong việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện với cư dân trên đảo, chính phủ Ấn Độ cuối cùng cũng phải rời xa nơi này.
Tất cả các cuộc viếng thăm đến đảo North Sentinel đều bị cấm. Hải quân Ấn Độ thiết lập vùng cấm 4,8 km để ngăn khách du lịch, nhà thám hiểm và những người tò mò. Thỉnh thoảng, vài cuộc gặp gỡ tình cờ vẫn xảy ra nhưng không ai trong số họ có kết cục tốt đẹp. Người ta hoặc trở về từ đảo với thương tích và sợ hãi, hoặc không bao giờ quay lại.
Nằm trong Vườn quốc gia Uluru-Kata (Australia), Uluru được mệnh danh là "cái rốn của Trái Đất" và là nơi linh thiêng đối với Anangu, một tộc người bản địa. Cộng đồng này cảm thấy áp lực khi để cho những du khách leo lên ngọn núi đá này. Thậm chí, họ còn đặt một tấm biển dưới chân núi với nội dung: "Việc leo trèo không bị cấm nhưng chúng tôi mong rằng là một vị khách trên đất Anangu, bạn sẽ tôn trọng pháp luật và văn hóa của chúng tôi bằng cách không leo lên".
Ngoài sự nhạy cảm về văn hoá, hoạt động leo núi cũng khá nguy hiểm và thường xuyên bị đóng cửa do điều kiện thời tiết. Theo BBC, 35 người đã thiệt mạng tại Uluru từ những năm 1950. Mới đây, Ủy ban Vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta đã bỏ phiếu nhất trí cấm leo lên đỉnh núi đá cát. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 26/10/2019, nhân kỷ niệm 24 năm ngày chính phủ Australia chính thức trao lại mảnh đất cho người Anangu.