Imane Khelif - võ sĩ người Algeria - chiến thắng các đối thủ trong môn quyền anh nữ hạng cân 66kg một cách khá dễ dàng tại Olympics Paris và sẽ tranh Huy chương Vàng vào 9/8. Đây là võ sĩ gây nhiều tranh cãi về giới tính và Hiệp hội Quyền anh Quốc tế (IBA) từng nói rằng Khelif là nam về mặt sinh học.
Theo trang Wired, việc Khelif bị IBA cho là nam dựa trên xét nghiệm máu có nghĩa là Khelif có nhiễm sắc thể (NST) Y, hoặc có mức testosterone cao (giống nam). Nhưng trong thông báo mới đây của IBA, Khelif không kiểm tra mức testosterone, mà IBA lại nhắc đến “nhiễm sắc thể đồ”, nên có thể hiểu rằng IBA thấy Khelif mang NST Y.
Khelif bị cho là nam giới trong khi cô đang thi đấu boxing nữ. Ảnh: John Locher/ AP. |
Vậy có phải cứ mang NST Y thì một người sẽ là nam?
Theo Hiệp hội Liên giới tính Bắc Mỹ (ISNA) thì rất nhiều người hiểu nhầm rằng một NST Y khiến một người là nam, và không có NST Y khiến một người là nữ.
Mặc dù đúng là trong trường hợp bình thường, gene SRY ở đầu NST Y giúp khiến một phôi thai phát triển theo hướng là nam, nhưng để quyết định giới tính thì không chỉ cần đến gene SRY. Hơn nữa, gene SRY có thể được chuyển vào một NST X (nên một người nữ mang NST XX có thể phát triển theo hướng nam tính điển hình), và còn hàng chục gene khác trên các NST, ngoài X và Y, góp phần vào sự phát triển giới tính. Và ngoài gene, sự phát triển giới tính của một người còn có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố môi trường (bao gồm cả môi trường tử cung của người mẹ).
Võ sĩ Lin Yu-Ting (áo đỏ, Đài Loan, Trung Quốc) cũng gây tranh cãi về giới tính khi thi đấu boxing nữ hạng cân 57 kg tại Olympics Paris. Ảnh: Reuters. |
Tiến sĩ Charmian Quigley của ISNA còn giải thích:
Gene SRY, được phát hiện năm 1989, là một gene nhỏ nằm ở đầu của NST Y. Tại sao gene này lại được coi là gene “quyết định giới tính”? Các nhà nghiên cứu ở Anh đã lấy một bản sao trong phòng thí nghiệm của gene này và đưa vào một phôi chuột cái (XX) ở giai đoạn phát triển rất sớm. Con chuột bị “biến” từ cái thành đực. Vậy hẳn là do gene SRY, phải không?
Có lẽ là không. Vài năm sau, một gene tương tự được tìm thấy ở NST thứ 17 ở người. Khi một phần quan trọng của gene này được đưa vào phôi chuột cái, nó lại bị biến thành đực.
Vậy là có ít nhất 2 gene có thể biến một con cái thành con đực, và một trong 2 gene đó không nằm trên NST Y. Hóa ra, có lẽ SRY chỉ là một tác nhân cho phép một (hoặc nhiều) gene quan trọng hơn hoạt động. Điều ngược lại cũng có thể xảy ra: Một gene trên NST X, gọi là DAX1, khi có mặt dưới dạng một bản sao kép trong một con chuột đực (XY) thì biến nó thành con cái.
Bộ gene của con người vốn vô cùng phức tạp. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Tóm lại, có các gene trên NST Y có thể biến các con cái (với NST XX) thành con đực, và các gene trên NST X có thể biến các con đực (với NST XY) thành con cái. Tức là, giới tính nam hay nữ không được quyết định bằng việc có NST Y hay X, vì chỉ cần đổi một, hai gene là tất cả sẽ đảo lộn hoàn toàn.
Thực tế, cứ 20.000 người nam thì có một người không có NST Y mà lại có 2 NST X. Tình huống tương tự - người nữ có NST XY thay vì XX - cũng có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân.
Với những người đó, NST không quyết định giới tính. Toàn bộ các gene cùng các trải nghiệm sống (thể chất, tinh thần, xã hội) mới quyết định con người họ (và thực ra là mỗi chúng ta). Theo Tiến sĩ Quigley, có ít nhất 30 gene có vai trò quan trọng trong việc phát triển giới tính ở con người, trong đó có 3 gene nằm trên NST X, 1 trên NST Y và còn lại ở các NST khác.
Nữ võ sĩ Svetlana Staneva (Bulgaria, áo xanh) sau khi thua Yu-Ting đã dùng 2 ngón tay tạo hình chữ X như một cách để đặt câu hỏi về giới tính của đối thủ. Ảnh: Nick Edwards/ Mail Online. |
Vậy tức là, theo khoa học, việc xác định giới tính của một người chỉ bằng cách xem người đó có NST Y không thì đơn giản là không chính xác. Và vì vậy, Khelif, dù mang NST Y đi nữa, có thể vẫn được coi là nữ và thi đấu những môn dành cho nữ ở Olympics, điều đó cũng là dễ hiểu.