Tài khoản định danh điện tử là gì?
Hiện nay, để quản lý thông tin trên môi trường điện tử, Nhà nước sẽ gắn cho mỗi cá nhân, tổ chức một danh tính riêng (danh tính điện tử).
Việc đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể (gồm cá nhân, tổ chức) là được gọi là định danh điện tử.
Để quản lý hoạt động định danh và danh tính điện tử, Bộ Công an đã xây dựng một hệ thống thực hiện đăng ký, tạo lập, quản lý tài khoản định danh điện tử và thực hiện xác thực (hệ thống định danh và xác thực điện tử).
Theo giải thích tại Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác tạo bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
Trong đó, thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử sẽ bao gồm các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.
Sử dụng tài khoản định danh điện tử có lợi như thế nào?
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 59, tài khoản định danh điện tử dùng để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD và trang thông tin định danh điện tử.
Tài khoản định danh điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
Ai được cấp tài khoản định danh điện tử?
Theo Điều 11 Nghị định 59, đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên; Công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Người nước ngoài từ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Cơ quan, tổ chức thành lập, đăng ký hoạt động tại Việt Nam.