Trên thực tế, Bọ cánh cứng thả bom khá phổ biến. Chúng xuất hiện ở tất cả mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực. Trong đó, nơi tập trung nhiều Bọ cánh cứng thả bom nhất chính là các cánh rừng, đồng cỏ thuộc vùng ôn đới.
Cũng như đa số đại diện khác của Lớp Côn trùng, sinh vật này có cơ thể nhỏ nhắn, được chia thành 3 phần rõ rệt là đầu, ngực, bụng và sở hữu 6 chân. Thức ăn chủ yếu của Bọ cánh cứng thả bom là ấu trùng, các sinh vật kích thước nhỏ…
Điều khiến loài sinh vật nhỏ bé này trở nên thực sự ấn tượng với giới nghiên cứu chính là cơ chế phòng vệ của nó. Được biết, trong bụng của loài bọ này có hai ngăn chứa riêng biệt hai loại hóa chất là hydroquinone và hydrogen peroxide.
Một khi bị kẻ thù tấn công hay chỉ đơn giản là chúng cảm thấy bị đe dọa, một chất xúc tác sẽ được sử dụng để khiến hai hóa chất trên phát sinh phản ứng hóa học. Hệ quả là một luồng hóa chất sẽ được phun ra ngoài với nhiệt độ rất cao, khiến đối phương bị thương hoặc có thể gây chết.
Một thí nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về thứ vũ khí hóa học của loài bọ này. Theo đó, họ đã nhốt chung một con cóc với cá thể Bọ cánh cứng ném bom. Đương nhiên, trong tình huống này, con bọ sẽ nhanh chóng bị cóc nuốt chửng. Tuy nhiên, sau một thời gian, người ta lại quan sát thấy con cóc tỏ vẻ khó chịu, rồi nôn ra lại con bọ mà mình đã ăn. Điều đáng ngạc nhiên hơn là cá thể Bọ cánh cứng thả bom này vẫn còn sống.
Qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một kết quả sẽ khiến bạn phải kinh ngạc, đó chính là loài Bọ cánh cứng thả bom có thể ở trong bụng cóc trong ít nhất là 12 phút và nhiều nhất là lên đến 1 tiếng rưỡi, mà vẫn có thể sống sót để ra đòn tấn công, khiến con cóc phải nôn mình ra.