YouTube ban hành những “luật chơi” mới khiến nhiều vlogger lâm vào thế “việt vị“

HHT - YouTube - nền tảng chứa đựng khối dữ liệu phải mất đến 60.000 năm mới xem hết vốn có cách thức vận hành đơn giản. Tuy nhiên với những cáo buộc liên quan đến việc trục lợi thông tin từ người dùng trẻ em, YouTube đã ban hành những “luật chơi” mới khiến nhiều vlogger lâm vào thế “việt vị”.

Những con số “triệu view” bị đông cứng và “không còn chỗ đứng”

Theo Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA) và dưới sức ép từ Ủy ban Thương mại Liên Bang Hoa Kỳ (FTC), từ tháng 1/2020, YouTube phải “siết chặt” tất cả các nội dung liên quan đến trẻ em như review đồ chơi, ca nhạc thiếu nhi, vlog... đang hiển thị trên nền tảng của mình.

Vốn là một yếu tố “tăng view” nhờ sự đáng yêu tan chảy bao trái tim, giờ đây những video clip đã được đăng tải có chứa hình ảnh trẻ em sẽ bị kiểm duyệt gắt gao, thậm chí tắt bình luận, đóng băng view, tắt chức năng quảng cáo, kiếm tiền hay nặng hơn là gỡ khỏi kênh YouTube.

YouTube ban hành những “luật chơi” mới khiến nhiều vlogger lâm vào thế “việt vị“ ảnh 1

Quỳnh Trần JP là một trong những YouTuber đầu tiên của Việt Nam chịu ảnh hưởng và phải điều chỉnh nội dung theo sự thay đổi nay. Hàng loạt video mukbang (vừa ăn vừa ghi hình) trên trang sử dụng hình ảnh bé Sa nên nhanh chóng lọt tầm ngắm của YouTube.

Trước động thái này, chị Quỳnh đã đổi tên kênh thành Quynh Tran JP & Family - Cuộc sống ở Nhật và không để bé ngồi cùng khi quay clip nữa. Chính sách mới của YouTube sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của kênh vì bé Sa là “cây hút fan”, hầu như các video có sự tham gia của bé đều đạt mốc “triệu view” trở lên.

Mặc dù không có bé Sa nhưng vẫn có thể thấy rằng số view và sự ủng hộ của khán giả dành cho chị Quỳnh vẫn không giảm nhiệt. Ngày 10/2 vừa qua, chị Quỳnh đã cho “các cô các chú” gặp lại bé Sa trên video thăm quan vườn dâu tây tại Nhật. Chị chia sẻ rằng trước khi đăng tải video, chị đã gửi email “hỏi thăm” YouTube và nhận được câu trả lời đồng ý kèm theo nhắc nhở: “Được, nhưng không lạm dụng”.

Trước hàng loạt biện pháp mạnh tay của YouTube trong tháng vừa qua, nhiều kênh đã phải chịu cảnh “lực bất tòng tâm”. Như Parry Gripp - một nhạc sĩ, đồng thời là một YouTuber người Mỹ chuyên sản xuất những video clip dành cho trẻ em chia sẻ trên Twitter cá nhân của mình hôm 22/11/2019 rằng việc đánh dấu các video theo luật mới của YouTube đã khiến các sản phẩm giải trí của anh mất hút trên Google Search, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương tác của kênh.

YouTube ban hành những “luật chơi” mới khiến nhiều vlogger lâm vào thế “việt vị“ ảnh 2

Chị Quỳnh Trần chia sẻ: YouTube xét video có trẻ em bằng robot. Điều này có nghĩa là các video có chứa hình ảnh trẻ em (trên thumbnail hay trong video) sẽ tự động chức năng thông báo trong một vài giờ đầu khi video được công chiếu. Việc này chắc chắn sẽ để hụt mất một lượng view không nhỏ. Những video này cũng sẽ bị loại bỏ khỏi mục Đề xuất, không được chèn quảng cáo, tắt chức năng kiếm tiền cũng như nhận được email cảnh báo từ YouTube. Song, các YouTubers có thể học hỏi cách giải quyết của chị Quỳnh Trần là viết một email “hỏi chuyện” YouTube trước khi công chiếu trên kênh của mình.

Cuộc sống của YouTubers sẽ trở nên tích cực hơn?

 Tuy nhiên nhiều người cũng cho rằng, về lâu về dài các quy định này cũng sẽ giúp cho hình ảnh cũng như cuộc sống của các YouTuber trở nên tích cực hơn!

Là những người có trách nhiệm

Theo chính sách mới này, những trường hợp lách luật - không gắn mác “dành cho trẻ em” - đối với sản phẩm tương ứng sẽ bị cảnh cáo hoặc khởi kiện trực tiếp đối với người sở hữu kênh đó. Chính YouTuber sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp cho đứa con tinh thần của mình về mọi phương diện kể cả luật pháp. Việc YouTube siết chặt quản lý sẽ góp phần nâng cao ý thức của những người hoạt động trên nền tảng này, từ đó đi kèm với tiếng nói của trách nhiệm sẽ là sự tiến bộ về chất lượng của các video nói chung và các sản phẩm giải trí nói riêng.

Là những người biết lắng nghe

Chính sách mới này đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các Youtuber. Mặc dù bị hạn chế lượt view hay doanh thu, nhưng rất nhiều nhiều YouTuber đã “tận dụng” thời gian bị “đóng băng” này để trò chuyện và tiếp nhận những ý kiến của những khán giả để cải thiện video trên kênh của mình.

YouTube ban hành những “luật chơi” mới khiến nhiều vlogger lâm vào thế “việt vị“ ảnh 3

Đó là trường hợp của họa sĩ hoạt hình Joanna Davidovich. Ngay sau khi đạo luật mới của YouTube được ban hành, cô đã cho ra ngay một video bày tỏ mối quan tâm của mình về vấn đề này. Trong video, Joanna khẳng định kênh YouTube của mình không hề hướng đến “đối tượng là trẻ em”, cô chỉ đơn giản “vẽ lại những gì mình thích và chia sẻ nó với mọi người”.

Đạo luật mới này làm Joanna cảm thấy rất bối rối, tuy vậy cô vẫn muốn hỏi ý kiến những người xem của mình về việc liệu có nên thay đổi nội dung của các video hay nên chọn một kênh thông tin khác để đăng tải video thay vì YouTube. Joanna đồng thời cũng cảm ơn người xem rất nhiều vì đã luôn lắng nghe và bên cạnh cô ngay cả khi đạo luật mới này làm ảnh hưởng ít nhiều đến những video mà cô đem đến để phục vụ người xem.

Chia sẻ trong một video của mình, YouTuber Hana Giang Anh từng nói rằng phản hồi của khán giả chính là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các video. Do đó, cũng có thể tạm kết luận rằng, tuy gây ra khá nhiều rắc rối nhưng khoảng thời gian “đóng băng tạm thời” đến từ đạo luật này đã cho rất nhiều YouTuber một cơ hội để “sống chậm” lại và lắng nghe những fan ủng hộ sản phẩm của mình nhiều hơn.

Đạo luật mới có thật sự bảo vệ được trẻ em?

Không thể phủ nhận nỗ lực của YouTube trong việc bảo vệ quyền lợi và an toàn cho trẻ em, thế nhưng vì vẫn đang vận hành bằng robot và hiện đang được thực hiện khá cứng nhắc, YouTube có đang thực sự bảo vệ được trẻ em và những nhà sáng tạo của mình?

YouTube ban hành những “luật chơi” mới khiến nhiều vlogger lâm vào thế “việt vị“ ảnh 4

Bạn Nguyễn Hưng Thịnh (15 tuổi, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Bộ luật mới này của YouTube vẫn còn khá nhiều bất cập. “Thân thiện với trẻ em” khác hoàn toàn với “nội dung dành cho trẻ em”, tuy vậy phần lớn những kênh này sẽ bị đánh đồng và chịu những bất lợi không ít, điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng video của các nhà sáng tạo”.

Bạn Hồ Đinh Xuân Khanh (16 tuổi, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) nghĩ rằng: “Giới hạn các chức năng như bình luận, không thể lưu để xem sau... liệu có thực sự giúp được nhóm đối tượng này khi các bé vẫn được thỏa sức xem YouTube mà không có sự giám sát của cha mẹ?

Các nhà quản lí YouTube nói rằng họ không thể điều khiển được cách mà người dùng sử dụng nền tảng của mình, nhưng vẫn buộc các nhà sáng tạo tuân thủ bộ luật mới, điều đó khác nào đồng nghĩa với việc bắt các YouTuber chịu những trách nhiệm mà đáng lẽ ra phải thuộc về các bậc phụ huynh trong quá trình quản lí con trẻ của mình?”.

Có lẽ thời gian này chúng ta sẽ nhớ bé Sa hay bé Boram (một vlogger 6 tuổi rất nổi tiếng người Hàn Quốc),… nhưng bộ luật mới vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng và chỉ có các YouTuber với sự sáng tạo riêng của mình mới có thể tạo ra được những sản phẩm vừa đáp ứng được về mặt pháp lý vừa thỏa mãn được thị hiếu của đông đảo công chúng và làm phong phú thêm nền tảng giải trí hàng đầu này mà thôi.

MỚI - NÓNG
"Vũ trụ" OTP Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai: Duy Khánh - Công Nam "dưỡng thê"
"Vũ trụ" OTP Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai: Duy Khánh - Công Nam "dưỡng thê"
HHT - Dàn "anh tài" trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (ATVNCG) nhận được sự yêu thích đặc biệt từ đông đảo người hâm mộ vì tài năng cùng nguồn năng lượng tích cực. Tương tác đáng yêu của các "anh tài" cũng được fan (hoặc chính các "anh tài") ghép thành cặp bromance hay "gia đình", trở thành yếu tố "hút fan", tăng độ thảo luận cho chương trình.

Có thể bạn quan tâm