Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu"

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Tiếp nối những thành công bước đầu của album debut "Yesteryear", ca sĩ Phùng Khánh Linh tái xuất đường đua V-Pop với album phòng thu thứ hai mang tên "CITOPIA". Dự án được thực hiện toàn bộ tại Mỹ như một cách bảo chứng cho chất lượng âm nhạc đạt chuẩn quốc tế.

CITOPIA là từ ghép giữa 2 từ city (thành phố) và utopia (thế giới không tưởng). 10 bài hát trong album lần lượt là 10 căn nhà, 10 câu chuyện, 10 đặc tả về tình yêu trong bối cảnh giả tưởng ở "một thành phố mà ở đó, từng chi tiết, hình ảnh, thanh điệu đều hoàn hảo".

Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu" ảnh 1

10 ca khúc trong CITOPIA là 10 ngôi nhà trong thành phố giả tưởng của Phùng Khánh Linh.

Ngoài ra, tựa đề CITOPIA cũng ám chỉ City Pop - thể loại âm nhạc chủ đạo trong album lần này. Xuất hiện từ thập niên 1970, City Pop được coi là một nhánh con của nhạc Pop Nhật Bản, đặc trưng bởi những âm thanh hoài cổ, mang lại "cảm giác thành thị cho những khán giả thành thị".

Giữa dòng chảy âm nhạc Nu-Disco đã quá bão hòa, khán giả Việt tỏ ra hào hứng với thể loại âm nhạc này, bằng chứng là bản hit City Pop Waiting For You của tân binh MONO vẫn đang càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc.

Ra mắt một album City Pop ở thời điểm hiện tại là một quyết định khôn ngoan của Phùng Khánh Linh và ê-kíp, giúp CITOPIA không bị hòa lẫn với các sản phẩm trên thị trường, mà lại rất gần với thị hiếu nghe nhạc của Gen Z.

Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu" ảnh 2

Album CITOPIA được phát hành vào đúng "điểm rơi" của thể loại City Pop tại Việt Nam.

So với các album V-Pop được phát hành trong thời gian vừa qua, CITOPIA của Phùng Khánh Linh xứng đáng là một sản phẩm mẫu mực về chất lượng sản xuất âm nhạc. 10 ca khúc là 10 bản phối bám rất sát tinh thần của thể loại City Pop, mang đến một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc, hòa quyện mượt mà tiếng kèn trumpet hoài cổ, tiếng guitar dịu dàng trên nền bass chắc chắn.

Một số hiệu ứng âm thanh được đặt để rất tinh tế, góp phần tạo nên điểm nhấn cho tổng thể bài hát. Dụng công của phần hòa âm phối khí sẽ phát huy tối đa tác dụng nếu khán giả thưởng thức CITOPIA bằng tai nghe hoặc máy phát nhạc chuyên dụng với chất lượng âm thanh cao.

Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu" ảnh 3

Album CITOPIA có chất lượng hòa âm phối khí mẫu mực, bám sát đặc trưng thể loại City Pop.

căn gác mùa hè (sweet summer), năm ngoái giờ này (after all) mùa hè 1994 (summer 1994) là những điểm sáng của album. Nếu như căn gác mùa hè căng tràn sức trẻ, mô phỏng tình yêu thăng hoa thì năm ngoái giờ này lại là câu chuyện tình buồn chất chứa nhiều nuối tiếc.

Nghịch lý là, khi không còn những bản phối màu mè, chân dung nghệ sĩ của Phùng Khánh Linh lại hiện ra rõ ràng nhất trong mùa hè 1994. Gợi nhớ hình ảnh Phùng Khánh Linh của thời Hôm Nay Tôi Buồn hay Trên Ô Cửa Máy Bay, mùa hè 1994 là bản nhạc Pop cơ bản nhưng chiếm trọn trái tim người nghe bởi phần lời đẹp và khắc khoải nhất album: "Mùa hạ lạc mất nhau/ Để ký ức ấy mãi mãi ngủ yên thôi/ Đừng tìm kiếm vết thương ngày cũ".

Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu" ảnh 4

căn gác mùa hè, năm ngoái giờ nàymùa hè 1994 là những bài hát đáng nghe trong album CITOPIA.

Đáng tiếc thay, những bài hát còn lại trong album để lộ ra nhiều điểm yếu của Phùng Khánh Linh. Chất giọng có phần khàn nhẹ và cách xử lý của nữ ca sĩ phù hợp hơn với những ca khúc có tempo từ chậm đến trung bình. Trong những ca khúc tiết tấu nhanh như quý cô say xỉn, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, 1 2 3 4 tí tách, Phùng Khánh Linh phát âm không rõ lời, bị dính chữ.

Một điểm yếu khác của CITOPIA là phần lời chưa thuận tai người nghe. Ca từ đậm chất văn tả như: "Ngày nào anh hứa hẹn với em/ Dành hết mấy ngày cuối tuần/ Ở cạnh bên em/ Tám chuyện không đầu không đuôi/ Anh làm em phát điên! Năm giờ sáng sao vẫn chưa về?" hoặc rơi vào khuôn sáo: "Nét ngài khuôn trắng sáng đầy vơi/ Đón ánh ùa vào khắp căn phòng" khó chạm đến cảm xúc của người nghe.

Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu" ảnh 5

Phần lời là điểm trừ lớn nhất khiến trải nghiệm "tham quan" thành phố CITOPIA của Phùng Khánh Linh chưa trọn vẹn.

Sau album debut Yesteryear, CITOPIA tiếp tục là một sản phẩm được đầu tư chỉn chu, có định hướng rõ ràng của Phùng Khánh Linh. Tuy nhiên, Phùng Khánh Linh vẫn cần xác định được một cá tính riêng biệt, một cách nói riêng biệt, và thật nhiều những câu chuyện mà chỉ mình cô mới có thể kể được.

Album "CITOPIA" - Phùng Khánh Linh: Âm nhạc tuyệt vời, phần lời vẫn hơi "văn mẫu" ảnh 9
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm