Podcast - “người bạn mới” siêu thú vị của Gen Z
Podcast là những tệp âm thanh được thu sẵn và sau đó được chia sẻ trên những ứng dụng nghe, giúp người dùng có thể tải về để nghe trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng... Trong "vũ trụ Gen Z", podcast còn được ví như những “cuộc trò chuyện”, chia sẻ từ xa.
“Di cư” đến Việt Nam, podcast chủ yếu được xem như một cách luyện nghe khi cần học những ngôn ngữ mới. Tuy nhiên hiện nay, việc nghe podcast đang dần trở thành xu hướng và được nhiều bạn trẻ ưu ái. Phải kể đến các series podcast như Vietnam Innovators, Have A Sip, Bít Tất... đã khiến mô hình này trở nên viral hơn.
Spotify là nền tảng được các bạn trẻ "ưu ái" để nghe và phát hành podcast. |
Gia Hân, sinh viên trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM cho biết đã trở nên “ghiền” podcast chỉ sau vài lần trải nghiệm: “Podcast cho mình cảm giác như nghe radio giống hồi xưa nhưng hiện đại và đa dạng hơn. Mình muốn nghe lúc nào cũng được, chỉ cần có điện thoại và tai nghe”.
Bạn Hồng Ngọc, sinh viên trường đại học Tài chính - Marketing cũng chia sẻ: “Mặc dù podcast không có hình ảnh nhưng việc nghe thường xuyên sẽ giúp kích thích khả năng liên tưởng, tư duy về các vấn đề trong cuộc sống. Mình cũng hay nghe podcast nước ngoài để cải thiện ngoại ngữ nữa, rất tiện lợi!”.
Gia Hân cho biết mình là “fan cứng” podcast. Ảnh: NVCC |
Nghe Gen Z chia sẻ kinh nghiệm thu podcast
Bên cạnh việc "siêng" nghe podcast từ các trang thông tin hay báo chí nước ngoài, thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ còn tự thu âm và phát hành podcast chia sẻ những câu chuyện từ trải nghiệm cá nhân đến định hướng nghề nghiệp hay review sách.
Hứng Nghiệp là dự án podcast hợp tác giữa hai tổ chức The API’s Tales và The Bizillions, gồm những “cuộc trò chuyện” về các chủ đề liên quan đến ngành nghề hay việc tham gia những dự án xã hội. Hiện tại, Hứng Nghiệp đã đến tập thứ tư, có mặt trên Spotify để các teen có thể nghe thoải mái.
Tập podcast đầu tiên của "Hứng nghiệp" chia sẻ về những lưu ý khi chọn ngành. |
Trong quá trình sản xuất podcast, bạn Văn Thanh - sinh viên trường ĐH Fullbright, hiện đang là “chủ tịch” của tổ chức xã hội The API’s Tales cho biết: "Để lên được kịch bản cho một tập podcast chỉn chu, các bạn đã phải họp nhiều buổi liền, sau đó mới tiến hành thu, chỉnh âm thanh và thiết kế các ấn phẩm truyền thông để quảng bá cho podcast."
Bạn Văn Thanh, sinh viên trường ĐH Fullbright, hiện đang là “chủ tịch” của tổ chức xã hội The API’s Tales. Ảnh: NVCC |
Bắt đầu "khai trương" kênh podcast Mít Bay Xa vào cuối tháng năm nay, Tuyết Nhi (sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chủ yếu chia sẻ về những câu chuyện trên hành trình viết lách và những trải nghiệm cá nhân trong quá trình cô nàng theo đuổi nghề báo.
Series đầu tiên của kênh podcast Mít Bay Xa có tên là "Sài Gòn Dị Nhân Truyện", tập trung những "chân dung" hay câu chuyện của những người dân bình dị nhưng luôn cố gắng lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng.
Kênh podcast "Mít Bay Xa" của cô bạn Tuyết Nhi, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông của trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM. |
"Mình chọn thu podcast vì mình muốn tập trung vào một giác quan nhất định, đó là 'nghe'. Mọi người có thể nghe podcast khi đang làm việc, đi chơi hay ở bất cứ đâu. Công đoạn viết podcast của mình bắt đầu từ việc viết kịch bản, phần mở đầu phải nói những gì, phần nội dung phát triển ra sao, kết lại như thế nào. Sau đó là ước lượng thời gian cho mỗi đoạn và bắt đầu ghi âm" - Tuyết Nhi cho biết.
Bên cạnh đó, cô nàng chia sẻ thêm, sau khi "bắt tay" vào việc tự thu và phát hành podcast cá nhân, "mình nhận ra bước quan trọng nhất không phải là những bước về kỹ thuật hay phân phối mà là định hướng nội dung. Nội dung của podcast phải khác biệt và được định hướng đúng đối tượng mới có thể chạm đến người nghe."
Bạn Dương Tuyết Nhi. Ảnh: NVCC |
Thị trường podcast tại Việt Nam đang mở rộng nhiều chủ đề mới để đáp ứng nhu cầu giải trí và phát triển bản thân của Gen Z. Amateur Psychology, The Present Writer, Sài Gòn Thấy Cưng... là các kênh podcast chia sẻ về tâm lý, lối sống hay các câu chuyện thường nhật gần gũi với bạn trẻ. Chọn podcast để nghe cũng như việc chọn “người yêu”, tùy nội dung mà người nói để các teen có những trải nghiệm thú vị, phù hợp nhất với sở thích của bản thân.
Bạn có thể tìm nghe một số podcast của Hoa Học Trò tại link: