Sau khi điểm chuẩn vào Đại học năm 2023 được công bố, cư dân mạng bất ngờ đến choáng váng với điểm chuẩn tăng vọt so với năm ngoái. Như với ngành cao điểm nhất của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là Quan hệ công chúng, điểm chuẩn là 28,75; tức là trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt 9,58 điểm/ môn mới trúng tuyển.
Hay trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành cao điểm nhất là Truyền thông Marketing (hệ POHE) với 37,1 điểm. Mỗi thí sinh phải đạt hơn 9,27 điểm mới trúng tuyển.
Nổi bật là thông tin 2 thủ khoa khối A00 toàn quốc lại không trúng tuyển nguyện vọng 1 là ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì điểm được tính theo công thức riêng của Bách khoa Hà Nội với môn Toán nhân hệ số 2 và quy về thang điểm 30.
Điểm cao ngất ngưởng đến nỗi thủ khoa - những người tưởng chừng có thể ung dung vào bất kỳ trường đại học nào mong muốn cũng không trúng tuyển khiến nhiều người đặt câu hỏi, vậy ai sẽ trúng tuyển và chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp của những ngành này được mấy người?
Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia không phải phương thức xét tuyển duy nhất của các trường đại học. Thí sinh giành giải quốc gia, kỳ thi quốc tế Olympic... được tuyển thẳng. Ngoài ra, một số trường như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội TP.HCM, trường Đại học Sư phạm... đều tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chọn được lượng lớn thí sinh trúng tuyển (thường chiếm khoảng 60% chỉ tiêu).
Đặng Quốc Vinh là thủ khoa đầu vào năm nay của ngành IT1 Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng ngay cả khi không xét điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023, Quốc Vinh vẫn trúng tuyển nhờ điểm đánh giá tư duy 83,9/100 điểm. |
Vì vậy, chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm xuống, đặc biệt là đối với ngành hot. Nhiều người cùng lựa chọn trong khi chỉ tiêu không nhiều dẫn đến tỷ lệ chọi của một phương thức càng cao. Điểm số vì thế mới cao ngất ngưởng.
Đầu năm 2023 đã có kiến nghỉ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vì tốn kém, không cần thiết. Câu chuyện hai thủ khoa không trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành IT1 Đại học Bách khoa Hà Nội là minh chứng cho việc các trường đang ngày càng tự chủ hơn trong việc tuyển sinh.
Trong 2 năm trở lại đây, số trường Đại học tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy để tuyển sinh đang tăng lên. Vì thế, ngay cả khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, việc tuyển sinh Đại học cũng không bị ảnh hưởng. Ở một góc độ khác, các trường Đại học dùng đề thi riêng hay phương thức xét tuyển độc lập cũng giúp xác định và chọn lọc đối tượng tuyển sinh tốt hơn.