Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Năm 2024 là năm nhuận và tháng 2 sẽ có 29 ngày chứ không phải 28 ngày như phần lớn các năm khác. Vậy năm nhuận như năm nay là để làm gì, và hóa ra không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận, tại sao lại như vậy?

Tháng 2 năm nay sẽ có một ngày khác với phần lớn các năm khác, đó là ngày 29/2, cũng được gọi là ngày nhuận.

Ngày nhuận có thể được coi là ngày may mắn hoặc kém may mắn tùy theo từng nền văn hóa, nhưng theo khoa học thì nó không phải may hay không may, mà chỉ là một ngày cần thiết để giúp lịch của chúng ta phù hợp với các vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời.

Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận? ảnh 1

Tháng 2 năm nay có ngày nhuận. Ảnh: Jagranjosh.

Trái Đất đi một vòng quanh Mặt Trời hết 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 45 giây (tức là 365 và khoảng 1/4 ngày), gọi là một năm nhiệt đới. Tuy nhiên, lịch mà hầu hết các nước trên thế giới đang dùng chỉ có 365 ngày/năm. Nếu không có ngày nhuận thì mỗi năm sẽ bắt đầu sớm hơn khoảng 6 tiếng so với vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời.

Với độ lệch như vậy, các mùa sẽ bị thay đổi khoảng 24 ngày trong 100 năm và nếu việc này cứ tiếp diễn trong vài thế kỷ thì những người ở Bắc Bán cầu sẽ mừng Giáng Sinh vào giữa mùa Hè.

Như vậy, ý nghĩa của những ngày nhuận chính là để cho Trái Đất có thời gian cần thiết mà đi một vòng quanh Mặt Trời.

Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận? ảnh 2

Nếu không có ngày nhuận, độ lệch giữa lịch và vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời sẽ ngày càng tăng. Ảnh: Getty.

Nhưng khác với điều mà hầu hết chúng ta vẫn tưởng, không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận. Nếu một năm nhiệt đới dài hơn chính xác 6 giờ so với một năm dương lịch (365 ngày) thì mới đều đặn 4 năm có một năm nhuận. Nhưng 5 giờ, 48 phút và 45 giây dù sao cũng không phải là 6 giờ mà.

Để điều chỉnh việc này, lại có bộ nguyên tắc hơi phức tạp hơn để quyết định năm nào là năm nhuận. Để là một năm nhuận, năm đó phải chia hết cho 4; nhưng nếu cũng chia hết cho 100 thì nó không là năm nhuận, trừ phi nó cũng chia hết cho 400.

Theo bộ nguyên tắc này thì năm 1800 và 1900 không phải là năm nhuận nhưng năm 2000 là năm nhuận. Năm 2100 dù chia hết cho 4 nhưng cũng sẽ không phải năm nhuận. Bộ nguyên tắc này cũng vẫn không hoàn hảo, nhưng sự chênh lệch giữa lịch và vòng quay của Trái Đất là rất nhỏ rồi.

Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận? ảnh 3

Năm 2000 là năm nhuận nhưng 2100 thì không. Ảnh: Explorer's TV.

Như vậy, ngày 29/2 là để giúp lịch được khớp với đất trời, nên dù người ta có niềm tin thế nào về nó thì đây cũng vẫn là một ngày rất đặc biệt.

Ngày nhuận 29/2 có ý nghĩa gì và tại sao không phải cứ 4 năm lại có một năm nhuận? ảnh 7
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc nắng nóng từ sáng sớm đến khuya, nhiệt độ Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C

Miền Bắc nắng nóng từ sáng sớm đến khuya, nhiệt độ Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C

HHT - Cả nước ta đang trải qua một đợt nắng nóng dữ dội, mà ở miền Bắc, đây được coi là đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất từ đầu năm đến giờ. Theo dự báo hiện tại, nhiệt độ buổi chiều ở Hà Nội có thể lên rất cao (nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời), tiến sát hoặc chạm đến ngưỡng 50 độ C.