Ô nhiễm không khí có lẽ là điều không nhiều người nghĩ tới khi nói đến những tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho rằng số người tử vong do tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm dạng hạt mịn là rất cao.
Theo đó, dù tỷ lệ hạt mịn trong không khí ô nhiễm ngoài trời ở mức thấp thì tỷ lệ tử vong của con người vẫn tăng. Bởi những chất độc ở dạng hạt cực nhỏ trong không khí sẽ gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp (phế quản, phổi...) và cả ung thư, nhưng trước đây, ô nhiễm không khí chưa được chính thức coi là nhân tố có khả năng gây chết người.
Nghiên cứu mới cho biết, bụi mịn PM2.5 trong không khí ngoài trời gây ra nhiều ca tử vong trên khắp thế giới. Ảnh minh họa: Christiana Kamprogianni/ Unsplash. |
Theo ước tính gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (2016) thì mỗi năm có hơn 4,2 triệu người tử vong sớm do tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm ngoài trời dạng hạt mịn (thường gọi là PM2.5). Mà từ đó đến nay, mức độ ô nhiễm trên thế giới hầu như luôn tăng.
Scott Weichenthal, phó giáo sư dịch tễ học ở ĐH McGill (Canada), nói: “Chúng tôi thấy bụi mịn PM2.5 ở ngoài trời có thể là nguyên nhân cho ít nhất là 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới”.
Sương khói trong không khí ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 12/2015. Ảnh: Wu Wei/ Xinhua News Agency. |
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu y tế của 7 triệu người Canada trong 25 năm, kèm theo thông tin về mức PM2.5 ngoài trời ở khắp cả nước. Canada là nơi lý tưởng để thực hiện nghiên cứu này do mức bụi mịn PM2.5 ở đây là thấp. Sau đó, thông tin có được từ nghiên cứu ở Canada sẽ được dùng để tìm hiểu về tỷ lệ tử vong ở những nước có mức PM2.5 cao.
Trong khi đó, vài ngày gần đây, nhiều nước đã công bố mức độ ô nhiễm cao cùng những hậu quả tai hại của nó. Hôm qua, người phụ trách bộ phận Chất lượng Không khí và Biến đổi Khí hậu của Bộ Môi trường Iran nói với trang Etemadonline: “Ô nhiễm không khí khiến 20.800 người tử vong trong năm 2021, trong đó có 6.400 ca là ở thủ đô Tehran”. Nguyên nhân gây ô nhiễm được cho là do không khí ít thông thoáng, dân số đông và có nhiều xe cũ.
Thành phố có màu xám do mức độ ô nhiễm không khí cao ở Tehran (Iran) vào ngày 8/5/2022. Ảnh: Fatemeh Bahrami/ Anadolu Agency. |
Còn theo số liệu mới được đưa ra ngày hôm nay ở Ấn Độ, thì 8% số hộ gia đình ở thủ đô Delhi bị bệnh đường hô hấp do ô nhiễm không khí; hơn 110.000 trẻ nhỏ tử vong do ô nhiễm không khí ở Ấn Độ vào năm 2019; còn việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm ở trong nhà và ngoài trời đã khiến khoảng 1,67 triệu người lớn tử vong mỗi năm ở đất nước này, theo Indian Express. Trang Indian Express cũng gọi các thành phố lớn ở Ấn Độ là “những thành phố ngạt thở”.
Có thể nhìn thấy sương khói khi chất lượng không khí ở thủ đô Delhi (Ấn Độ) đang rất kém vào sáng nay. Ảnh: PRAVEEN KHANNA. |
Tân Hoa Xã (Xinhua) của Trung Quốc cũng đưa tin, chất lượng không khí ở Hà Nội (Việt Nam) hiện đang ở mức không tốt (unhealthy) đến rất không tốt (very unhealthy) cho sức khỏe, bắt đầu từ thứ Ba vừa rồi và có thể kéo dài ít nhất đến cuối tuần, khiến con người có nguy cơ bị các bệnh đường hô hấp. Lý do gây ô nhiễm chủ yếu liên quan đến khí tượng, kèm theo đó là các chất ô nhiễm từ giao thông, các công trình xây dựng, việc sản xuất công nghiệp…