Trong thời gian vừa qua, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ailen (FSAI) đã thu hồi một số sản phẩm, bao gồm mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay sản xuất tại Việt Nam, do có chứa chất cấm ethylene oxide.
Đây là một hóa chất được sử dụng làm thuốc trừ sâu hoặc chất khử trùng. Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) đã xếp loại chất này là tác nhân gây đột biến, gây ung thư và chất độc sinh sản. Ethylene oxide bị cấm ở Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1981. Tuy nhiên, một số nước không phải thành viên của EU vẫn dùng chất này để ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn trong thực phẩm.
![]() |
Thông báo thu hồi một số sản phẩm mỳ trên trang web của FSAI. (Ảnh chụp màn hình FSAI). |
Kể từ tháng 9/2020, FSAI đã thu hồi hơn 40 sản phẩm thực phẩm có ethylene oxide và riêng trong mấy ngày cuối tháng 8 đã có một số sản phẩm bị thu hồi vì cùng nguyên nhân.
Về lý do cho việc ethylene oxide có mặt trong thực phẩm thì mỗi nước có sản phẩm bị thu hồi sẽ tự thực hiện điều tra, tuy nhiên, các trang tin Ailen vừa đưa ra một số thông tin: Tháng 9/2020 là thời điểm đầu tiên mà Ủy ban châu Âu được thông báo về sự tồn tại của ethylene oxide trong thực phẩm bán tại EU. Ở thời điểm đó, Bỉ đã báo cáo với Hệ thống Cảnh báo nhanh châu Âu về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (RASFF) rằng hạt vừng từ Ấn Độ bị nhiễm ethylene oxide.
![]() |
Sản phẩm hạt vừng của Ấn Độ bị thu hồi vì chứa ethylene oxide. Ảnh: FSAI. |
Việc hạt vừng từ Ấn Độ bị nhiễm ethylene oxide dẫn đến việc thu hồi nhiều sản phẩm có liên quan. Một loạt sản phẩm đã bị thu hồi từ hồi ấy là những loại có hạn sử dụng dài, và vẫn đang tiếp tục bị thu hồi, như ngũ cốc ăn sáng, sôcôla, bánh quy, gia vị.
Một nguồn gây nhiễm ethylene oxide khác là “kẹo cao su carob”, một phụ gia từ hạt của cây carob, được sử dụng như chất làm đặc hoặc chất ổn định. Chất này có trong những sản phẩm như kem, rau câu, ngũ cốc, các sản phẩm từ thịt, sữa lên men và phô-mai.
![]() |
Cũng trong tháng 8/2021, một số lô sản phẩm kem từ Ba Lan cũng bị thu hồi ở Ailen vì trong quá trình sản xuất có dùng phụ gia "kẹo cao su carob" bị nhiễm ethylene oxide. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Bà Jane Ryder của FSAI nói, việc “kẹo cao su carob” nhiễm ethylene oxide xảy ra như thế nào thì “chưa được xác nhận” và do đó, “nguồn gốc của vấn đề này là chưa được biết đến trong tất cả các trường hợp”. Ryder khuyên “người tiêu dùng không nên lo lắng quá mức”, vì “việc tiêu thụ thực phẩm chứa ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng việc tiêu thụ trong một thời gian dài thì sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh”.
Tuy nhiên, bà Ryder cũng nói thêm rằng “cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ethylene oxide và những sản phẩm chứa chất này cần được loại khỏi thị trường”.
![]() |