Cháy rừng Hawaii vào thời điểm hiện tại là một trong những thảm họa cháy rừng chết chóc nhất ở Mỹ trong những năm gần đây. Lửa lan đi rất nhanh, phá hủy nhiều phần của một thị trấn lâu đời, khiến ít nhất 53 người thiệt mạng, tính đến 11/8 (giờ Việt Nam).
Lửa cháy ở Hawaii ngày 9/8, hàng ngàn người vội vã chạy khỏi nhà. Ảnh: Ty O'Neil/ AP. |
Thảm họa này đã bắt đầu thế nào?
Cháy rừng bắt đầu vào đêm 8/8 (giờ địa phương, tức là khoảng trưa 9/8, theo giờ Việt Nam), theo Reuters. Trang The Guardian viết, dường như ban đầu lửa bốc lên ở một khu nhiều cây cối rồi nhanh chóng lan sang các khu vực đông dân cư vì lúc ấy sức gió ở đây lên tới 96 km/h.
Lửa tràn vào khu vực Lahaina (ở Maui, Hawaii) với cả tốc độ lẫn sự dữ dội đáng báo động, bùng lên ở các giao lộ, trùm qua các tòa nhà bằng gỗ ở trung tâm thị trấn đã tồn tại từ những năm 1700 và có tên trong danh sách những địa điểm lịch sử quốc gia. Người dân cũng bị bất ngờ, hoảng hốt đổ ra đường. Lúc này một số đường phố đã bị “chặn” bởi những mảnh vỡ vụn còn đang bốc cháy.
Cháy lớn trên đảo Maui ở Hawaii vào 8/8. Ảnh: Dominika Durisova via Reuters. |
Nguyên nhân gì đã dẫn đến thảm họa khủng khiếp này?
Nguyên nhân chính xác của cháy rừng Hawaii vẫn chưa được xác nhận, nhưng nó xảy ra trong bối cảnh đảo Maui có gió rất mạnh và độ ẩm thấp, mà trước đó Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (NWS) của Mỹ đã cảnh báo rằng có nguy cơ gây hỏa hoạn.
Ngoài ra, Hawaii cũng đang chịu tình trạng hạn hán và đang ở giữa mùa khô trong khi bão Dora - cách đó vài trăm km - lại gây gió mạnh. Các đảo của Hawaii bị “kẹp” giữa hệ thống áp suất cao ở phía Bắc và hệ thống áp suất thấp ở phía Tây, đi liền với bão Dora, theo Jeff Powell, một nhà khí tượng học ở Honolulu. Chính sự khác biệt trong áp suất không khí lại tạo ra gió mạnh khác thường, tiếp sức cho những ngọn lửa hủy diệt.
Nhà cửa bị thiêu rụi hết do cháy rừng ở Lahaina, ảnh chụp ngày 10/8. Ảnh: Brian Schatz via Instagram/ via REUTERS. |
Cùng với lửa, những cơn gió - càng được làm mạnh thêm bởi bão Dora - đã giật tung những đường dây điện và trong khi di chuyển xuống dốc lại góp phần giúp lửa lan đi với tốc độ đáng sợ. Neil Lareau, giảng viên Khoa học Khí quyển ở ĐH Nevada, giải thích, những cơn gió di chuyển xuống dốc chính là tác nhân gây ra những trận cháy có ảnh hưởng lớn nhất.
Theo nghiên cứu năm 2023, những vụ cháy do gió thổi xuống sườn dốc là nguyên nhân cho 60% thiệt hại về các công trình và 52% số người thiệt mạng ở phía Tây nước Mỹ kể từ năm 1999.