Nếu dự luật này được Quốc hội thông qua thì Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á, và là nơi thứ hai ở châu Á (sau Đài Loan), cho phép đăng ký quan hệ tình cảm đồng giới.
Thái Lan có thể trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á chính thức công nhận quan hệ tình cảm đồng giới.
Tuy chưa phải là công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng dự luật này sẽ cho phép các cặp đôi đồng giới đăng ký hợp pháp sự “hợp nhất” của họ. Đây dù sao cũng là một bước tiến lớn ở một đất nước vốn rất thận trọng về vấn đề này như Thái Lan. Theo dự luật mới này, các cặp đôi đồng giới lần đầu tiên có thể nhận con nuôi, có quyền thừa kế, có thể cùng nhau quản lý tài sản.
Ratchada Thanadirek, một người phát ngôn của Chính phủ, nói đây là một “cột mốc cho xã hội Thái Lan trong việc đẩy mạnh sự bình đẳng giữa mọi giới tính”.
Để được đăng ký, các cặp đôi đồng giới ít nhất phải đủ 17 tuổi, ít nhất một trong hai người phải là công dân Thái Lan. Ngoài ra, dự luật này cũng nêu rõ các nguyên tắc về việc chia tay.
Thái Lan muốn "đẩy mạnh sự bình đẳng giữa mọi giới tính".
Tuy vậy, một số người thuộc cộng đồng LGBTQ nói rằng, dự luật này “chưa đi đủ xa”, và nó vẫn là “một chướng ngại vật để (các cặp đôi đồng giới) tiến tới hôn nhân”. Tanwarin Sukkhapisit, một người chuyển giới, nói: “Tại sao không gọi tất cả mọi người, cả các cặp đôi truyền thống và phi truyền thống, là “đối tác kết hôn”? Tại sao lại phải dùng một cụm từ đặc biệt là “đối tác dân sự” cho cộng đồng LGBT+?”.
Thực tế, cộng đồng LGBTQ ở Thái Lan còn đang kêu gọi sửa đổi luật hôn nhân, thay đổi những từ “vợ”, “chồng” thành “đối tác kết hôn” để bao gồm mọi bản dạng giới.
Cộng đồng LGBTQ Thái Lan đang kêu gọi sửa đổi luật hôn nhân. Ảnh: AFP.
Tất nhiên, dự luật này cũng còn cần được thảo luận rất nhiều nữa trước khi ban hành chính thức.