Liệu ta có bao giờ tự hỏi, một lựa chọn được-dán-nhãn-dại-dột có thể dẫn ta đến đâu?

Liệu ta có bao giờ tự hỏi, một lựa chọn được-dán-nhãn-dại-dột có thể dẫn ta đến đâu?
HHT - Rất ít người có đủ may mắn để thắng tất cả các trò chơi bằng những lần chọn đúng. Nếu không may rẽ vào con đường khiến ta phải hối hận, hãy cứ bình thản nhận lỗi với bản thân chứ đừng sỉ nhục chính mình…

Không ít lần trong các phần truyện, Harry Potter thể hiện sự lo lắng rằng mình cũng mang những dã tâm giống như Voldermort. Cuối tập Harry Potter và phòng chứa bí mật, cậu bé đã tâm sự với thầy Dumbledore rằng có khi nào lẽ ra cậu nên được phân vào nhà Slytherin xảo quyệt thay vì nhà Gryffindor dũng cảm? Khi ấy, thầy Dumbledore trả lời: “Harry à, không phải năng lực, mà chính lựa chọn của chúng ta thể hiện chúng ta thực sự là ai”. Chính Harry là người chọn vào Gryffindor thay vì Slytherin chứ không phải Cái nón Phân loại, và đó là điều khiến cậu khác biệt với Chúa tể Hắc ám.

“Lựa chọn của chúng ta thể hiện chúng ta là ai”, hay nói như lời nhà văn Khải Đơn trong cuốn sách Ta có bi quan không, sự lựa chọn buộc ta phải trưởng thành. Suốt dọc hành trình đời mình, chúng ta không thể tránh khỏi những ngã rẽ. Có những lựa chọn chỉ đơn giản là giữa cà phê hay trà sữa, nhưng cũng có đấy những lựa chọn dằn vặt hơn, như là liệu nên chọn một công việc ổn định này thay vì công việc lông bông đúng đam mê kia, hay là liệu có nên đối diện bằng một lời chia tay dứt khoát. Đôi khi, lại có những lựa chọn đáng giá bằng cả một mạng sống. Không ai chọn thay ta, không ai bước thay ta, không ai sống hộ đời ta. Mỗi lựa chọn trở thành một trách nhiệm nặng nề ta phải gánh vác cho chính mình.

Liệu ta có bao giờ tự hỏi, một lựa chọn được-dán-nhãn-dại-dột có thể dẫn ta đến đâu? ảnh 1

Cuốn sách Ta có bi quan không? của tác giả Khải Đơn tiếp nối câu chuyện cô viết cho người trẻ từ quyển đầu tay.

Điều trớ trêu là mỗi sự lựa chọn cũng đồng nghĩa với một sự đánh đổi. Trong kinh tế học tồn tại một khái niệm gọi là “chi phí cơ hội”, là tổng giá trị mà những thứ ta bỏ qua khi chọn một thứ thay vì chọn thứ khác. Ta được đi theo lựa chọn của mình, nhưng đổi lại ta phải trả giá cho chính chi phí cơ hội của lựa chọn đó.

Đó là khi ta bắt đầu sợ phải lựa chọn. “Như trò đánh bạc, chỉ có sấp ngửa, ta trộm nghĩ chọn sai là đời ra tro, tan nát hết cả.” Ta sợ một ngày ta chắt lưỡi tiếc rẻ những điều ta bỏ lỡ, chỉ vì một “lựa chọn dại dột”. Ta sợ phải đối mặt với hai chữ “nếu như”, chỉ vì một “lựa chọn dại dột”. Ta càng sợ hơn sự phán xét của người đời, những người quy kết chính ta là dại dột chỉ bởi một lựa chọn đó của ta.

Liệu ta có bao giờ tự hỏi, một lựa chọn được-dán-nhãn-dại-dột có thể dẫn ta đến đâu? ảnh 2

Ta được đi theo lựa chọn của mình, nhưng đổi lại ta phải trả giá cho chính chi phí cơ hội của lựa chọn đó.

Và chính khi ấy là lúc ta bắt đầu “bị tước bỏ ý niệm độc lập về chọn lựa trong đời và bị kéo dụ theo những định kiến chẳng cần nguyên do”. Thay vì chọn lựa và hết lòng với con đường đã chọn, chúng ta dùng dằng trước những cái nhãn định hướng cuộc đời mình. Ta chọn lựa không phải vì sự tinh tường, mong muốn hay khát vọng, mà chỉ để thỏa mãn cái nhãn tên được người người nhà nhà mặc định cho. Nỗi sợ khiến ta gom góp đủ mọi phương án, lời khuyên, nghe theo số đông mà không thực sự hiểu vì sao mình lại làm vậy.

Liệu ta có bao giờ tự hỏi, một lựa chọn được-dán-nhãn-dại-dột có thể dẫn ta đến đâu?

Theo nhà văn Khải Đơn, chẳng có chọn lựa nào thực sự là sai và cũng rất ít người có đủ may mắn để thắng tất cả các trò chơi bằng những lần chọn đúng. Những ngã rẽ chỉ là ngã rẽ, điều quan trọng là ở mình. Nếu không may rẽ vào một con đường khiến ta phải hối hận, hãy cứ bình thản nhận lỗi với bản thân. Đừng sỉ nhục chính mình, vì ai cũng chỉ là “một kẻ dại khờ, đeo lên mặt tấm băng đen, dùng bàn tay dò dẫm trong bóng tối của tương lai, vừa đi vừa xếp những viên gạch xuống con đường trước mặt”. Và rồi hãy tiếp tục lót gạch và bước tiếp. Con đường đó có thể hơi gập ghềnh, nhưng hãy cứ đi “như đang tận hưởng một cuộc phiêu lưu mới mẻ”.

Liệu ta có bao giờ tự hỏi, một lựa chọn được-dán-nhãn-dại-dột có thể dẫn ta đến đâu? ảnh 3

Nếu không may rẽ vào con đường khiến ta phải hối hận, hãy cứ bình thản nhận lỗi với bản thân chứ đừng sỉ nhục chính mình…

Mọi sự liều lĩnh đều hàm chứa bên trong sự vĩ đại, bởi mọi hành động đều tiềm ẩn những nguy cơ sai lầm. Nói rằng mình chưa từng sai lầm chẳng khác gì nói rằng mình chưa từng sống. Ta thà một ngày thức dậy, biết rằng mình đã từng lớn lên nhờ những dại dột, còn hơn là kinh hoàng nhận ra: “Ta mãi chẳng trưởng thành được vì cứ đưa tay ra cầu xin cuộc đời lựa chọn thay mình, để chẳng bao giờ phải soi gương xem mình đã hành xử ra sao trước hai ngả đường lạ lẫm”.

“Chẳng có cách nào khác ngoài lót gạch, bước đi và chịu đau”. Ta có bi quan không khi nói vậy? Không, ta nói vậy vì ta bình thản. Ta thích những sự lựa chọn của mình, vì ta yêu chính con người ta.

Quà tặng: HHT OnlineAmun Đinh Tị tặng độc giả 10 cuốn sách Ta có bi quan không? của tác giả Khải Đơn. Để nhận sách, bạn hãy gửi email với tiêu đề: Nhận sách Ta có bi quan không? về email trasuaonline@gmail.com với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại cụ thể trước ngày 10/6/2017.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm