Nhiệt độ nước biển và không khí đều tăng trên khắp thế giới có thể sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho một “mùa bão bùng nổ”, theo như nhà khí tượng Stephanie Abrams của trang chuyên thời tiết The Weather Channel nói với kênh CBS News.
Trong tháng 2, nhiệt độ trung bình bề mặt nước biển toàn cầu đã đạt tới mức cao nhất từng được ghi nhận, là 21,06oC, theo Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU. Con số này xô đổ kỷ lục trước đó là 20,98oC, được ghi nhận vào tháng 8/2023. Ngoài ra, tháng 2/2024 cũng lập kỷ lục là tháng 2 nóng nhất trong lịch sử, đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp có kỷ lục như vậy với các tháng tương ứng.
Nhiệt độ trung bình bề mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2024. Ảnh: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (Mỹ). |
Mà xu hướng nhiệt độ tăng này có vẻ còn đang ngày càng mạnh lên. Ở Bắc cực, nhiệt độ tăng lên nhanh nhất, khiến băng ngày càng ít. Các nhà nghiên cứu ở ĐH Colorado (Mỹ) nói rằng đến năm 2030 (chỉ 6 năm nữa thôi), ở một số thời điểm, diện tích băng bao phủ ở Bắc cực có thể chỉ bằng 1/4 hiện tại.
Nhiệt độ nước biển ở Bắc Đại Tây Dương cũng cao hơn nhiều so với mức thông thường. Tại đó, nhiệt độ trung bình của bề mặt nước biển hiện tại là trên 20oC một chút - vốn là mức nhiệt độ thường thấy vào tháng 5 chứ không phải tháng 3. Đây là những tháng đầu năm nóng nhất từng được ghi nhận tại khu vực này.
Trong mùa bão năm nay ở Bắc Bán cầu, hiện tượng La Nina còn được cho là sẽ phát triển. La Nina thường làm giảm độ đứt gió. Mà nhiệt độ cao và độ đứt gió thấp chính là hai yếu tố khiến mùa bão dữ dội hơn, do bão dễ hình thành hơn và cũng dễ trở thành bão mạnh hơn.
Một người dân ở Hong Kong (Trung Quốc) bị gió thổi lật chiếc ô khi bão Koinu (nước ta gọi là bão số 4) sắp đến. Ảnh chụp tháng 10/2023. Ảnh: AFP. |
Mùa bão ở Đại Tây Dương bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 11; mùa bão ở nước ta bắt đầu từ tháng 6, kết thúc vào cuối tháng 11, nửa đầu tháng 12.