Chúng ta đã trải qua gần 3/4 của năm 2023, nhưng các nhà khoa học ở Trung Quốc đã cho rằng năm 2023 có khả năng có mức nhiệt độ bề mặt toàn cầu cao nhất - tức là năm nóng nhất - trong lịch sử của Trái Đất.
Cụ thể, trong nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học thấy rằng, nếu nhiệt độ bề mặt Trái Đất trong những tháng còn lại của năm 2023 chỉ ở mức trung bình so với 5 năm trước, thì nhiệt độ bề mặt trung bình năm của năm 2023 sẽ cao hơn 1,26oC so với thời tiền công nghiệp toàn cầu (1850 - 1900).
Như vậy cũng là vượt qua mức kỷ lục của năm 2016 (cao hơn 1,25oC so với thời tiền công nghiệp). Mà đấy là nếu nhiệt độ từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay chỉ ở mức trung bình, còn nếu cao hơn các năm trước thì càng rõ ràng 2023 là năm nóng nhất lịch sử.
Tình trạng thời tiết toàn cầu trong tháng 6, 7 và 8 của năm nay (màu sắc là mức chênh nhiệt độ, tính theo độ C, so với mức trung bình năm 1951 - 1980). Ảnh: Lauren Dauphin/ NASA Earth Observatory. |
Nghiên cứu nói trên được thực hiện bởi các nhà khoa học ở ĐH Trung Sơn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), dựa trên bộ dữ liệu toàn cầu toàn diện nhất tính đến hiện nay, và được đăng trên tạp chí Những Tiến bộ trong Khoa học Khí quyển vào ngày 19/9.
Lý do cho sự tăng nhiệt độ trong năm 2023 là xu hướng biến đổi khí hậu do con người, và Trái Đất đang ở trong giai đoạn có hiện tượng El Nino. Mà với hiện tượng El Nino đang ở lúc cao điểm, nhiệt độ trong các tháng còn lại của năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục cao hơn mức trung bình hằng năm.
Những kết quả nghiên cứu trên cũng khớp với dự báo trước đây là năm 2023 sẽ nằm trong top 5 năm nóng nhất trong lịch sử và cũng khớp với xác nhận của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) vào ngày 14/9 rằng mùa Hè năm 2023 là mùa Hè nóng nhất trên Trái Đất, ít nhất kể từ năm 1880.
Những mức tăng nhiệt độ khác thường cũng gây ra nhiều trận cháy rừng hơn. Ảnh: Dia Images/ Getty Images. |
Ngoài ra, các nhà khoa học dự báo năm 2024 sẽ còn có những mức nhiệt độ cao hơn, phá vỡ nhiều kỷ lục cũ và các mùa đều nóng hơn năm 2023.