Tại sao lại có những đợt lạnh dữ dội sau khoảng thời gian thế giới nóng kỷ lục?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Bất chấp việc mùa Đông năm nay được dự báo là ấm hơn trung bình do đang có El Nino, bất chấp việc thế giới đã trải qua một năm nóng nhất trong lịch sử, nhiều vùng trên thế giới lại đang chịu những đợt rét dữ dội trong tháng 1/2024. Lý do là gì vậy?

Rất nhiều nơi trên thế giới, như nhiều khu vực của Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ…, đều đang rất giá rét trong tháng 1/2024. Mặc dù thế giới vừa trải qua năm 2023 nóng nhất trong lịch sử, và mặc dù El Nino cũng đang diễn ra.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, có phải việc “Trái Đất ấm lên” không phải là sự thật?

Nhưng các nhà khoa học đưa ra lời giải thích rõ ràng: Những đợt rét đậm vẫn xảy ra dù mùa Đông nói chung đang ấm hơn. Một số nhà khí tượng học còn khẳng định, việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên chính là một trong những nguyên nhân gây ra những đợt rét dữ dội này.

Tại sao lại có những đợt lạnh dữ dội sau khoảng thời gian thế giới nóng kỷ lục? ảnh 1

Hình ảnh trong một đợt lạnh ở Trung Quốc vào mùa Đông 2023 - 24. Ảnh: Phys.org.

Cụ thể, thời tiết bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi “dòng tia”, một “dòng” không khí uốn lượn, di chuyển nhanh, ở khá cao trong bầu khí quyển. Khi dòng tia lượn về phía Nam, nó sẽ đẩy không khí lạnh của Bắc Cực về những nơi như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Tại sao lại có những đợt lạnh dữ dội sau khoảng thời gian thế giới nóng kỷ lục? ảnh 2

Dòng tia (đường mũi tên) lượn sâu về phía Nam, đẩy không khí lạnh của Bắc Cực xuống. Ảnh: PBS.

Còn một yếu tố nữa là xoáy cực. Đó là một vành đai gió mạnh ở rất cao trong tầng bình lưu - cao hơn cả mức của dòng tia - quanh Bắc Cực. Bạn có thể tưởng tượng xoáy cực giống như một con quay, hay một cái mũ xoay tít ở phía trên Bắc Cực. Bình thường, nó quay rất nhanh, giữ không khí lạnh buốt ở Bắc Cực. Nhưng xoáy cực có thể bị biến dạng và kéo căng, khiến không khí lạnh “thoát ra” và ảnh hưởng đến dòng tia.

Mà nhiều nhà khoa học cho rằng sự gián đoạn của xoáy cực và sự thay đổi của dòng tia là do Bắc Cực ấm lên - việc này tất nhiên là do Trái Đất nóng lên và/ hoặc sau một khoảng thời gian thế giới có nhiệt độ rất cao.

Tại sao lại có những đợt lạnh dữ dội sau khoảng thời gian thế giới nóng kỷ lục? ảnh 3

Xoáy cực (xoáy tròn màu xanh ở phía trên cùng) lúc bình thường (trái) và lúc bị gián đoạn (phải) khiến không khí lạnh bị đẩy nhiều hơn xuống phía Nam. Ảnh: NOAA.

Giới khoa học cũng cho rằng vấn đề này cần nhiều nghiên cứu nữa, nhưng trong lịch sử, quả thật đã có nhiều lần mùa Đông rất lạnh ở Bắc Bàn Cầu trùng với sự ấm lên ở Bắc Cực.

Nhưng dù sao, xu hướng chung vẫn là mùa Đông ở cả thế giới vẫn ấm dần lên, nếu dựa trên dữ liệu trong một thời gian dài, và các đợt rét đậm sẽ ngày càng ít đi.

Tại sao lại có những đợt lạnh dữ dội sau khoảng thời gian thế giới nóng kỷ lục? ảnh 7
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG
Học sinh Quảng Nam giành giải Đặc biệt cuộc thi tem bưu chính về Chiến dịch Điện Biên Phủ
Học sinh Quảng Nam giành giải Đặc biệt cuộc thi tem bưu chính về Chiến dịch Điện Biên Phủ
Từ hơn 1,3 triệu bài gửi dự thi Cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem bưu chính năm 2024 với chủ đề “70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua con tem bưu chính”, BTC đã chấm chọn và trao giải Đặc biệt cho em Đặng Lê Gia Nhi, học sinh Trường THCS Kim Đồng (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc nắng nóng từ sáng sớm đến khuya, nhiệt độ Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C

Miền Bắc nắng nóng từ sáng sớm đến khuya, nhiệt độ Hà Nội có thể chạm mốc 50 độ C

HHT - Cả nước ta đang trải qua một đợt nắng nóng dữ dội, mà ở miền Bắc, đây được coi là đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất từ đầu năm đến giờ. Theo dự báo hiện tại, nhiệt độ buổi chiều ở Hà Nội có thể lên rất cao (nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời), tiến sát hoặc chạm đến ngưỡng 50 độ C.